lui xuống chỗ định vượt qua chừng vài trăm mét tuy rằng đường đi xa và
vất vả hơn, phải lội qua mấy cái ao bèo và vũng trâu đầm trong lúc đang
vào mùa rét. Chúng tôi chấp nhận theo phương án của Hòa.
Chờ khoảng 9 – 10 giờ tối, lúc ấy xe cộ dân sự không còn dám đi, lựa
khoảng thời gian xe lính chểnh mảng tuần phòng chúng tôi sẽ tranh thủ
vượt qua. Lúc này Hòa với tôi mới có chút thời gian nói chuyện riêng. Cô
khoe:
- Số sách báo các anh để lại chúng em thay nhau đọc hết mấy lần, đứa
nào cũng thuộc. Đọc cuốn Xung kích em thấy nhớ anh qúa. Anh Kha
thương nhỉ! Anh Sản cụt tay mà vẫn chỉ huy đánh giặc được. Tài ghê!
Tôi động viên :
- Em ham học lắm. Giá mà được học thì cũng chẳng thua ai đâu!
- Người nhà quê chúng em nghèo lắm, làm sao đi học được!
Lòng tôi trào lên niềm thương cảm, nắm lấy tay em :
- Giá như đến lúc ấy vẫn còn sống, anh sẽ đón em lên thành phố lo cho
em học!
Bàn tay ấy run lẩy bảy trong tay tôi, giọng Hòa buồn thế:
- Về thành thiếu gì con gái học cao, nhà giàu lại đẹp nữa. Như em là
các anh quên ngay!
Tôi nắm chặt hơn bàn tay ấy, nâng lên, kéo lại gần mình. Lời nói như
buột ra từ gan ruột:
- Không đâu. Anh sẽ không bao giờ quên em!
Anh Đỗ ngồi dựa bụi cây bên kia giục:
- Giờ này xuất phát được rồi!
Chúng tôi bật dậy bước lại gần anh. Hòa phổ biến mật khẩu:
- Hỏi “Hai ba”, đáp “Cá chép”, các anh nhớ nhé!
Ai đó hỏi đùa:
- Tại sao không là cá trắm, cá chuối, cá quả, cá trê, cá mè?
Hòa cười rúc rích:
- Cuối năm ông Công, ông Táo chả ngồi trên lưng con cá chép lên
chầu trời là gì? Bất ngờ, dễ nhớ!
Ai đó bật cười nhưng im bặt ngay.