Một buổi chiều, mưa gió vẫn triền miên như những ngày lạnh trước, tôi
ngồi đọc sách, chăn chùm đôi vai tê buốt vì tiết trời. Ở chỗ tôi ngồi có thể
trông lên con đường cao bên ngoài cổng trại.
Tôi thấy một ông già. Ờ, vẫn cái ông Tây già đội mũ nồi, mặc cái áo tơi
vải cao su vàng, lê chiếc ba toong bằng song khá lớn, còn bộ quần áo bên
trong thì chưa bao giờ tôi thấy ông thay bộ dạ màu vỏ dưa đã cũ.
Mọi chiều, ông ta qua trại tôi đúng vào cái giờ sẩm tối này, và tôi để ý,
lần nào ông cũng dừng lại một phút nhìn vào rồi lại lẵng lẽ mà đi. Điều
đáng chú ý là ông đi bộ, dù mưa to cũng vậy. Ông đi đâu? Tôi không biết,
vả đó là một sự không cần biết.
Thế mà lần này, ông già kia chống gậy lững thững vào trong trại tôi. Ông
ngắm gốc cây này, khóm hoa khác, làm như vào nhà mình vậy. Con Diane,
con chó săn dữ đòn nhất của tôi nhảy xổ ra. Tôi chưa kịp quát gọi con chó
thì ông khách lạ, điềm nhiên như thường, thu cái ba toong kẹp vào nách,
khom cái lưng gày còng, giơ một bàn tay ra hiệu vuốt ve con vật, miệng
chúm lại khẽ huýt sáo. Dáng điệu ấy có một vẻ thành thạo của con người
không biết sợ là gì, hơn nữa, còn vẻ thành thạo của người đã từng chơi chó
săn như kẻ khác chơi gà, chơi chim.
Con chó dữ là thế, tức thì vẫy đuôi hít hít bàn tay ông ta. Ông mỉm cười,
tiến vào phía cửa, đứng ngoài hiên, rũ nước mưa trên áo, lau đế giày vào
chiếc thảm dừa, rồi gõ rất từ tốn vào cửa phòng sách tôi đang ngồi.
Tôi tiếp ông già. Ông cởi áo mưa treo lên mắc. Lạ điều nữa, cái mắc áo
nhỏ lẩn vào một chỗ khá kín đáo ở góc tường, sao ông ta không cần đưa
mắt tìm tòi cũng biết được và tiến thẳng ngay đến nó.
Ngắm cái lưng còng già rồi nhưng bề ngang còn to; đôi đùi ngắn thấp,
song bước đi quả quyết, vững chãi chậm chạp như đo đếm từng viên gạch,