Khấn khứa và xin thẻ xong, cô ra cửa bỏ vài xu mua cành lộc, hí hởn về
nhà “xông đất” lấy. Cô mới khẽ gõ cửa, Tình đã mặc quần áo chỉnh tề,
đứng một bên cúi chào bà Hàn như chào khách; bà Hàn tươi tỉnh nói mấy
câu chúc mừng năm mới. Tình cũng đáp mấy câu chúc mừng, rồi ba mẹ
con cùng bật cười vang.
Nghĩ đến cảnh vui này, Tâm đau đớn khẽ thở dài. Cảnh vui ấy có còn
đâu. Bà Hàn chết từ sáu bảy năm nay, hai chị em cô tần tảo lần hồi, ngày
tháng ôm lấy ngôi hàng nhỏ, chỏng trơ vài cuộn thép, cuộn thừng, mấy bao
diêm, mấy gói thuốc lào, thuốc lá, phong lơ...
Tối nay, nóng ruột về bệnh của Tình nặng quá mà thuốc thang không
thấy giảm chút nào, Tâm lại đi lễ thánh, lại xin thẻ, xin nước giải, cũng như
xưa cô đã làm quen những việc này mỗi lần mẹ cô bị trái nắng trở trời. Lúc
nào cũng chỉ tin ở Trời, ở Phật, ở Thánh mặc dầu cô đã tự biết như thế là
trái với một cô gái tân thời. Gái tân thời ngày nay, họ không lễ Phật, lễ
Thánh, không ăn mặc theo lối cổ như cô!
“Có lẽ vì thế mà chị em mình bị muộn chồng chăng?” Cô hằng nhủ lòng
như vậy những lúc ế hàng, ngồi nhìn các thiếu nữ mới khoác tay trai đi diễu
phố, mặc quần đùi đi xe đạp ngoài đường, hoặc những lúc vô tình đi qua
một nhà chớp bóng, một tiệm nhảy đầm.
Lúc này Tâm đi bên ngoài một phòng nhảy, gần nhà Thủy Tạ. Cô rẽ ra
xa, đánh bạo liếc mắt nhìn vào, thấy tây đầm, cả người Việt Nam nữa, từng
đôi đang ôm nhau nhảy, tiếng kèn du dương. Tâm thẹn đỏ mặt, lòng nao
nao như bị một cái gì khuấy rối, cô vội rảo chân đi.
Đường phố đã vắng tanh, vắng ngắt. Tâm mỏi chân muốn gọi xe, nhưng
ngần ngừ vì cô không muốn phí vài xu - vài xu, đó là giá bao thuốc lá, giá
một cuộn dây thừng!