run cảm động. Chúng tôi im lặng đọc cảm giác bái phục trên nét mặt anh
chàng. Một lúc anh chàng ngước lên nhìn bốn chúng tôi.
- Cứ như tài các ngài thế này thì lo gì báo không được hoan nghênh. Vậy
tôi định sáng mai xin rước các ngài quá bộ về tệ xá ở một vùng quê gần đây
chơi, trước xem phong cảnh đồng ruộng, sau xơi với chúng tôi chén rượu
gọi là tỏ chút lòng thành kính.
Lại còn nói gì nữa! Nhưng chúng tôi tỏ ra không phải thứ người dễ dãi
cho lắm, đều kênh kiệu từ chối để sau cùng bất đắc dĩ nhận lời mời.
Sáng hôm sau.
Khổ chủ và ba chúng tôi lên chuyến xe điện Hà Đông. (Nguyễn thi sĩ
không đi vì bận đo giầy).
Sau chín mươi phút xe điện chịu khó đỗ nhiều hơn chạy, chúng tôi đến
Hà Đông. Lê tiên sinh vác cái cặp bụng căng báo chí tiếng Tây và tiếng
Việt cũ, tài liệu linh tinh và bài vở mới viết đi trước, ra dáng lắm. Gã chủ
báo tương lai xin rước chúng tôi lên xe tay. Một đoàn xe cọc cạch chạy dài
đưa chúng tôi ra ngoài tỉnh. Xe qua những ruộng ngô, lúa, đậu. Lâu lắm
mới thoát ra ngoài thành phố Hà Nội, chúng tôi khoan khoái duỗi chân
thẳng cẳng trên lưng anh xe mà ngắm cánh cò bay, trâu gậm cỏ, mặt trầm
ngâm làm bộ đang nghĩ văn tả cảnh, nhưng thực thì không tiên sinh nào
nghĩ văn chương vì trên đồng ruộng vùng này sao mà nhiều “hoa thôn dã”
thế.
Những bông “hoa thôn dã” hát véo von hai bên ruộng. Chúng tôi có cảm
tưởng ngay rằng cuộc đi chơi này thật thú vị. Và chúng tôi cũng có cảm
tình với gã chủ báo ít tuổi, mặt mũi măng sữa, ngây ngô kia lắm.
Suy nghĩ còn đang miên man thì gã chủ báo tương lai hò cả đoàn xe
đứng lại. Thì ra chúng tôi đã ở trên một con đường làng lát gạch, một bên là