cái ao đầy bèo, váng nước; một bên là thôn xóm, nhà gianh chen chúc, tối
tăm.
Chó sủa rầm rộ, trẻ con xúm lại kêu:
- Ê ê, ông Tây! Ông Tây, ê ê! Chúng bay ôi!
- Cái gì mà ê ê, ông Tây! Lũ khỉ con! Im đi cho chó nó im, kẻo ầm làng
xóm.
Gã chủ báo trẻ tuổi xua lũ trẻ. Chúng im ngay, ngơ ngác nhìn gã mặt
đang đỏ lên như gấc chín.
Một bà già đứng trong vườn chuối gấn đấy lầu nhầu:
- Cái nhà cậu Giự ấy mọi khi về chỉ mặc áo the rách thì chó nào nó thèm
sủa. Lần này về đánh bộ Tây vào, lại ra dáng, mắng đuổi trẻ con.
Không biết Giự - ông chủ báo tương lai của chúng tôi - có nghe thấy lời
bà cụ già không? Chúng tôi thấy mặt anh chàng càng đỏ gắt lên, và ngơ
ngác nhìn quanh như chờ ai vậy.
Bốn anh xe đứng lau mồ hôi, thở, sẵn sàng chìa tay ra đón tiền. Giự càng
có vẻ loay hoay, bối rối. Anh đập vụng về hai tay vào hai túi áo và nhìn vào
một cái ngõ sâu. Đây là giờ phút nghiêm trọng của vấn đề kinh tế. Cố nhiên
những kẻ được rước đi một cách có tổ chức như chúng tôi đây đều không
“mang sẵn tiền lẻ”. Và dĩ nhiên là vấn đề tiền nong phải dành cho khổ chủ.
Gã chủ báo tương lai liếc nhìn bàn tay chúng tôi, thấy những bàn tay ấy
không hoạt động thì lại nghển cổ cò nhìn vào cái ngõ sâu. May quá, có một
người đàn bà từ trong ngõ đi ra.
Gã chủ báo tỏ ngay vẻ mừng rỡ, buột miệng reo như đứa trẻ:
- Kìa chị cả, chị trả tiền xe giúp. Tôi không sẵn tiền lẻ.