Ngày ấy ở Hà Nội có hai tờ báo trào phúng. Tờ Con Ong do ông Huyến
Voi (bố vợ Văn Cao) làm chủ bút. Tờ Vịt Đực do Vũ Bằng làm chủ bút.
Các cộng tác viên là Vũ Trọng Phụng, Tam Lang Vũ Đình Chí, Phùng Bảo
Thạch. Chúng tôi thường đùa là: Trong thiên hạ có ba con ác quỷ, ba cây
bút sắt đảo thiên nghịch địa đó là ba thằng họ Vũ, một thằng họ Phùng (sau
đó nhà nho vui tính Ngô Tất Tố cũng tham gia). Tờ Vịt Đực dám ngỗ
ngược chửi cả toàn quyền, thống sứ Tây đến cả đức Cựu hoàng Bảo Đại,
cho đến tất cả quan trường vô tài, bất đức. Nhưng từ quan Tây đến quan ta
vẫn vì lẽ gì đó cứ lờ đi. Ở Hà Nội, người bị Vịt Đực nắm tóc nhiều nhất là
mụ Hồng Khê (mà họ Vũ nói lái là mụ Kề Hông). Mụ này, theo Vịt Đực,
chuyên quan hệ với Môhamét bán vải ở Hàng Đào, Hàng Ngang, nhờ đó
mụ có cơ ngơi dọc ngang phố Huế. Nguyên do là tờ Vịt Đực thường xuyên
ở tình trạng ba chìm bảy nổi. Nhà in không chịu in cho vì thiếu tiền. Ba ông
họ Vũ bất đắc dĩ nghĩ ra mẹo làm vụ chantage (tống tiền) cứ réo mụ Hồng
Khê, chờ mụ chịu “nộp phạt” lấy tiền in báo. Thế là Vịt Đực liên hồi xa xả
bới móc mụ Kề Hông. Nhưng Hồng Khê keo kiệt nhất định không cởi túi.
Trả miếng, mụ thuê hai chục nữ nặc nô chợ Hôm, kéo đến tòa soạn Vịt
Đực, góc phố Phủ Doãn, sau khách sạn Asia để “xé xác” ba họ Vũ. Có
người báo cho ba ông biết sẽ có cuộc “tử chiến”. Để đối phó lại, Vũ Trọng
Phụng vẫn rung đùi bình tĩnh, bàn mưu, chơi trò “Ba Giai, Tú Xuất”. Trước
cửa tòa soạn thường có hàng chục trẻ ngồi chờ lấy báo và bọn hành khất
nằm chờ xin ăn cửa sau khách sạn Asia. Các ông cho mỗi đứa năm xu và
dặn chúng phải hoàn toàn khỏa thân, nấp trong tòa soạn. Khi bọn nữ nặc nô
kia đến. Ba tướng họ Vũ, có cả ông Ngô Tất Tố nép mình trên gác hô to:
“Mở cửa thành!”. Vậy là hai ba chục thằng trần như nhộng, giữa ban ngày
ban mặt rùng rùng chạy ra quát tháo. Bọn nặc nô đỏ mặt, ù té chạy. Hai
chàng họ Vũ trên gác cười vang. Riêng Vũ Trọng Phụng vẫn điềm tĩnh, đội
khăn, mặc áo the của cụ đồ Ngô Tất Tố, bắc ghế ra bao lơn gác, ôm cây đàn
nguyệt ung dung gảy bài Khổng Minh tọa lầu (tích Khổng Minh tay không
dùng mưu đánh thắng 30 vạn quân Tư Mã Ý trong Tam Quốc diễn nghĩa ).
Nhưng thói thường, cực lạc sinh bi, vui lắm buồn nhiều. Bọn nữ tặc chạy
xa rồi, mấy tướng họ Vũ không ai nói với ai, chợt thấy nỗi buồn mênh