mông xâm chiếm. Buồn về nghề với nghiệp, buồn về thân thế, buồn về cái
trò lục sở vừa mới bày ra đó, rõ ràng là “phi quân tử”!
Các ông ấy, ở thời ấy, nghịch như vậy đấy. Nghịch đến nỗi nhiều người ở
Hà Nội sợ tờ Vịt Đực, nhất là mấy cha nghị gật, mấy anh trọc phú đại gian
thương, mấy mụ me như cô Ba Tú, Tư Hồng đĩ có tàn có tán, có hương án
bàn độc đều nguyền rủa chú Vịt điên khùng. Và cũng từ đấy xuất xứ câu
thành ngữ “Làm báo nói láo ăn tiền”. Thực ra thì nhiều điều báo Vịt Đực,
Con Ong chửi đúng. Người viết có bản lĩnh khiến kẻ thù kiêng nể. Nhưng
cuối cùng Con Ong của Huyến Voi cũng do chính trị - kinh tế rút nọc, Vịt
Đực cũng vậy, bị “đánh tiết canh”. Các ông chủ bút quan niệm, làm báo
cũng là một cách chơi với đời (đời mất nước, đời nô lệ) vậy thôi. Thời đó
hầu hết chúng tôi là như vậy. Mặc dầu văn phái khác nhau, viết lách, suy
nghĩ, sinh hoạt khác nhau, chúng tôi không hề đối nghịch nhau. Anh em
trân trọng, thương xót, đùm bọc nhau trong tình bạn. Chúng tôi thầm ví
mình như Vân Hạo trong Lều chõng của Ngô Tất Tố. Chẳng phải chúng tôi
không thấy, không thấm cái nghèo, cái nhục của cảnh sống vong nô. Đã
không làm được cách mạng thì rỡn nghịch chơi, phá phách chơi rỡn cho
thiên hạ cười, và mình cũng cười. Ờ mà cười nhếch mép trước đắng cay,
đểu cáng của cuộc sống xô bồ, Tây, Tầu, Nhật, đĩ đực, đĩ cái, nhớp nhúa, từ
ngai vàng đến cống rãnh hôi tanh. Ờ hãy biết cười nhếch mép như Phụng,
Phụng ơi!
Nụ cười nhếch mép của Phụng ít khi trọn vẹn, thường tắt lặng nửa
chừng. Nụ cười ấy chưa lúc nào giải tỏa được cõi lòng ông và cũng buộc
người đời chẳng thể chỉ cười. Đọc Vũ Trọng Phụng quả là cười sa lệ, vì
những cảnh đời éo le, những cảnh đời nhố nhăng, đảo điên, đồi trụy vì tiền.
Trúng số độc đắc là bản thảo cuối cùng của Vũ Trọng Phụng đăng dài kỳ
trên Tiểu thuyết thứ Bảy cũng lột tả những mảnh đời như thế. Ông nói với
tôi là ông viết tiểu thuyết này dưới ảnh hưởng của nhà văn Pháp Marcel
Pagnol. Ông tìm thấy ở cốt truyện của nhà văn này cái “típ” lí thú thể hiện
những thực tế của xã hội Việt Nam bấy giờ. Nhân vật chính là Phúc Cái