bảo một ông bạn văn già: “Phụng sắp đi rồi. Tôi hẹn với bác ngày giờ
Phụng nhắm mắt”. Quả nhiên, ngày tháng, đúng như thầy Diễn báo trước,
duy có giờ thì sai mất 50 phút. Lúc sinh thời, nhà văn hoạt kê, nhà văn hiện
thực Vũ Trọng Phụng rất thích chuyện xem tướng số, học nghiên cứu cả
khoa học tử vi. Có điều, ông giấu kín, riêng tôi được biết, bởi tình cờ, tôi
chạm trán Phụng tại nhà thầy bói nổi danh Ba La Bông Đỏ (Hà Đông). Lời
đoán của thầy Diễn, tôi để lòng cho mãi đến hai năm sau, vào một buổi tối,
nhà Lan Khai không có khách, ông cũng nghỉ viết... bởi cơn suyễn hành hạ
không chịu nổi. Ông hổn hển bàn với tôi là muốn mang vợ con về Tuyên
Quang. Cụ thân sinh độ rày luôn ốm yếu, lại nghe tin Nhật đã chiếm Tuyên
Quang. Tình hình bấn loạn, để bố già sống trong cảnh ngộ ấy, lòng ông
không nỡ. Ông vốn là hiếu tử, không thể sống an phận với vợ con như
người khác. Tôi nghe ông nói, cân nhắc kỹ, rồi tôi đành ghé xuống gối ông
nhắc lại lời ông Diễn. Dưới ánh đèn hoa kỳ yếu ớt, tôi cũng nhận thấy sắc
mặt ông thay đổi. Cặp mắt cận thị không mang kính mở to nhìn tôi, hoảng
hốt. Tôi năn nỉ khuyên ông đừng về. Vậy mà sau đó ít ngày, ông nhận được
thư cụ thân sinh. Gia đình ông trả chủ nhà căn phòng thuê số 67 Châu
Long, về biên giới.
Từ đấy, xa nhau, xa bằn bặt, xa muôn dặm, tưởng như cả hai chúng tôi
không còn tồn tại.
Cho đến một buổi chiều mùa thu, tôi đang ngồi trong nhà, chợt nhìn ra
sân, thấy một phụ nữ mặc toàn đồ đen, thắt dải khăn tang cũng màu đen
buông suốt sống lưng, tôi vội chạy ra: thì ra bà Lan Khai, bà quả phụ Lan
Khai. Vẫn hình dáng ung dung, đường bệ của một vị phu nhân cao quý.
Người đây, cảnh ấy, té ra lời tiên tri của lão thầy tướng Diễn chẳng phải là
chuyện nói đùa.
Chị Lan Khai nắm tay tôi, ôm mặt khóc từ ngoài sân. Vợ tôi phải cố dìu
chị vào trong nhà. Cứ thế, người quả phụ khóc như một người mệnh bạc
chưa bao giờ tự xót thương số phận mình đến thế...