Lan Khai bị cuốn vào câu chuyện hàn huyên chảy thao thao như thác
loạn, cứ nghễu mặt ra, rồi thì dòng thác ấy cuốn phăng xuống xóm “Kính
trời” (Khâm Thiên) mặc cho sênh phách cuốn hồn, nụ cười hồ li xé xác.
Nhà văn ba đêm liền chết lịm trong mê hồn trận, do nhà thơ giang hồ vặt
Tchya dẫn dắt. Sang ngày thứ tư, Lan Khai tỉnh dần ra, hồn phách trở về.
Ông soi gương, ngắm hình bóng khăn xếp, áo the cũ rách, chán đời. Ông
định đến Ngọ Báo đòi tiền nhuận bút, sắm bộ quần áo tây, mặc vào mình
cho nó ra người, ra ngợm. Tchya gạt đi: “Không cần món tiền còm ấy. Anh
đến nhà tôi, ngồi viết một tiểu thuyết lịch sử thật hay, với nhan đề thật ngộ
đưa cho tuần báo Loa, họa sĩ Côn Sinh là chủ báo, cũng là một kẻ biết nhìn
văn nhân và văn phẩm bằng mắt xanh. Nó sẽ trả anh số tiền lớn, đủ may bộ
âu phục bảnh, đủ giúp cho các em bé xóm “Kính trời”.
Thế là không quá hai tuần, nhà văn thiên bẩm về tiểu thuyết lịch sử đã
viết xong Ai lên phố Cát, Côn Sinh nhiệt liệt hoan nghênh. Đọc Ai lên phố
Cát thấy quý mến con người Lan Khai: trung hậu, chân thật, phóng khoáng,
mắc chứng bệnh đa tình.
Lập tức, Ai lên phố Cát được báo Loa quảng cáo ầm ĩ, rồi đăng tải.
Báo Loa nổi tiếng. Các tuần báo, cả nhật báo khác, cũng xô nhau đặt cọc,
thuê Lan Khai viết truyện dài lịch sử, tạm quên hai nhà văn sử học quá
quen thuộc là Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc. Tchya khuyên Lan Khai
không nên viết bừa bãi, giá văn sẽ rẻ đi, phải biết từ chối, treo cao giá ngọc.
Côn Sinh chủ báo Loa xin Lan Khai chỉ viết cho báo Loa. Côn Sinh giữ
độc quyền cây bút sắc sảo của Lan Khai. Nhưng rồi Côn Sinh cũng không
làm chủ được tài năng trí tuệ của con “người rừng” này được mãi. Vì cuộc
sống của lũ vợ con kéo nhau về Hà Nội, Lan Khai phải tìm cách tự làm chủ
bản thân mình. Ông được tiên ông, chủ động Tân Dân phố Hàng Bông, đọc
Ai lên phố Cát mến tài Lan Khai, bảo tài xế đánh xe đến nhà thi sĩ Tchya
đón rước Lan Khai về sơn động.