Thôi thế anh về yên xóm cỏ
Xứ nghèo đã cỗi gốc yêu thương.
Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió
Cho đống xương đời được nở hương.
Nghe xong, con người sắt thép như Lê Văn Trương mà cũng cúi đầu giấu
tiếng thở dài.
1950, nhà văn Lê Văn Trương vào Nam, chúng tôi không hề biết trước.
Tôi tình cờ giở tờ tuần báo Mới của Phạm Văn Tươi, chủ nhà in, nhà xuất
bản Tín Đức thư xã phố cũ Sabourin, thấy truyện dài in hàng tuần, nhan đề
Cô gái họ Phạm. Ít ngày sau, tin Sài Gòn đưa ra: Làng báo trong đó, không
biết vì lí do nào, đang phát động phong trào tẩy chay Lê Văn Trương? Tuần
báo Mới không in tiếp Cô gái họ Phạm nữa. Lần lữa mãi, Lê Văn Trương,
cũng như Vũ Bằng, Tam Lang, Thượng Sỹ, đều thất nghiệp.
Sống chơ vơ, cùng quẫn, họ Lê ốm, già, kiệt sức. Không ai thân thích,
ông vẫn hàng ngày đi xoay xỏa. Đói thì chịu vậy, nhưng ông không nỡ để
đói lũ mèo ba mươi con, đủ các loại, các giống, sống quanh ông, bầu bạn
chung thủy với ông.
Cho đến một ngày, ông bạn Thanh Châu nhận được thư Thượng Sỹ (nhà
văn, nhà phê bình cũ trong nhóm Vũ Bằng) gửi ra, kèm theo một mẩu báo
cắt nham nhở, đưa tin nhà văn Lê Văn Trương đã qua đời trên căn gác ổ
chuột. Trương ơi, anh chết đói hay chết bệnh? Bệnh gì? Vẫn chỉ là căn
bệnh chung của lũ chúng mình, cái bệnh của những con người không chịu
sống bình thường. Bài báo không quên tả, quanh thi thể ông, một đàn ba
mươi con mèo đói, không kêu gào gì hết. Chúng lặng lẽ bám quanh xác
chết, rúc đầu vào nhau. Chúng, chỉ có chúng, những con mèo chung thủy,
tiễn ông đi.