Tam Lang, nhà báo phóng sự của tôi, sư phụ của tôi! Cắn cứng hàm răng
chịu cái đạp thứ hai, gắng chạy. Xe bắt đầu lên dốc Cổ Ngư - làm sao lên
được? Không bỏ cuộc, cố thử sức mình, ông dồn hết lực lôi chiếc xe lên,
cho đến lúc không còn sức, thân thể rã rời, mấy lần xe dọa lộn nhào. Ông
vẫn cắn răng, cố, cố, cố lôi xe, hai đầu gối sắp khuỵu. Vừa lúc ấy, may sao,
hai em nhỏ vai vác cần câu, tay đu đưa xâu cá, chạy ùa lên, vừa reo hò, vừa
bám sau xe đẩy cái khối nặng sắt thép, xương thịt ấy lên đầu dốc. Xe dừng
lại ông lau mồ hôi mặn làm xót cặp mắt mờ, nhìn hai em bé, muốn cảm ơn
tấm lòng trẻ nhỏ, nhưng chúng đã chạy biến rồi, bởi vì ngay lúc đó, hai
thầy đội xếp bắt đầu phóng xe đạp đuổi bắt chúng, đoạt cướp xâu cá, phạt
tội xâm phạm cá của quốc gia.
Cũng may là thằng Tây không đi nữa. Nó thấy ông không còn sức kéo.
Nó lầu nhầu: “Sale culi Annamite”. Nó quẳng cho ông một hào chỉ trắng.
Ông nhìn nó, lại nghiến răng, cúi nhặt đồng hào dưới đất. Đứng thở một
lúc, nhà báo phóng sự Tam Lang dắt xe quay lại, đỗ trước cổng chùa Trấn
Quốc, nhất định ngồi nghỉ đã. Ông rút cuốn sổ tay bé xíu, ghi vội mấy dòng
gì đó. Một bà già bước đến với ấm nước, chiếc bát, điếu cày. Ông uống bát
nước, tỉnh dần ra. Nhà văn Tam Lang tạm trút bỏ cái xác culi, đưa mắt
ngắm nhìn cảnh đẹp Tây Hồ, viên ngọc của Thăng Long - cố đô bao triều
đại, tâm hồn nhà văn bỗng nhớ đến bên hồ nước lịch sử này, Nguyễn Trãi
đã gặp cô gái Thị Lộ bán chiếu gon ở chỗ nào đấy... Trịnh Sâm, Đặng Thị
Huệ đã ngự thuyền rồng hái sen, ngâm thơ, nghe đờn sáo ở chỗ nào đây...
Vợ chồng bà huyện Thanh Quan, sau vụ chê văn hoàng đế bị đuổi ra khỏi
cung đình, mất chức đại học sĩ, làm sao tấm thân liễu yếu đào tơ ấy trảy bộ
ra Bắc Hà qua rừng xuyên núi, hùm beo rắn rết, qua đỉnh Đèo Ngang cảm
khái nước non thân thế mà ứng khẩu bài thơ châu ngọc “Bước tới Đèo
Ngang bóng xế tà...”. Thôi thì bị thất sủng về vườn cũng là cái phúc cho bà,
cũng là cái may cho văn học Việt Nam, nhờ đó mới có bài thơ giá trị thiên
cổ ấy.
“Này, anh xe, kéo lên chợ Đồng Xuân nào”.