đá đẹp, hiền sĩ vội quỳ vái lại, gọi là “bái thạch vi huynh”. Không chơi đá,
không thể được. Bao nhiêu cổ vật trên cõi đời này, thọ lắm cũng chỉ dăm ba
ngàn năm. Còn đá, nó là thần khí của vũ trụ, tổng thể cả ngũ hành, đã trải
hàng triệu triệu năm phơi mưa nắng, suối, thác đục rũa thành thủng nát, mài
gọt nhẵn như tơ lụa. Đá này gọi là đá lũa. Đá lũa mới là đá quý. Hình dáng
phải là cổ quái. Đá gai, nếu đẹp, chỉ là đá quý. Không thể là quái thạch so
cùng đá lũa.
Riêng về hoa đào, không chơi đào bích, màu đỏ chói như xôi gấc. Người
thanh lịch chơi đào phai - cũng gọi là đào Vân Nam - có nhiều cánh, khác
với đào ta cũng phai nhưng chỉ có năm cánh, mau tàn, Vĩnh lão gia gọi đào
phai là “cung phấn nữ”, cùng chung tên với một giống trà. Cung phấn nữ,
bởi nó phơn phớt má đào như các cung phi.
Tôi vẫn ham muốn say nồng trong men tạo vật, mặc dù tuổi đã quá già,
ham thích mọi sự coi như đã hết. Càng già càng hiu hắt, càng tiếc thương
từng áng mây chiều, từng đóa hoa sớm héo, từng làn gió nhẹ xuân thu.
Không còn gì nữa, ngoài dăm ba khóm trúc gầy, mươi khóm hoa hèn cỏ
dại, mọc lẫn vào thanh thảo. Đôi khi cố công ngồi tỉa xén một hai búi cây
hoang dại bờ rào do một ông già nông thôn mang đến nửa bán nửa cho.
Sực nhớ bài thơ cũ, viết phúc đáp ông bạn hiền Đồ Đức ở thành Nam hồi
sau năm 1954, khi ông gửi thư hỏi tôi độ này sống ra sao.
Một mảnh sân con
Một gian phòng nhỏ
Dăm cành xuân cỗi
Chơi với nước non.