vợ nhìn chồng, ái ngại. Anh biết vợ thương mình. Nhưng anh ngoảnh mặt
trông ra đồng lúa, chặc lưỡi khẽ một cái.
Đến ga Hà Nội. Nhà ông bà phán ở phố gần ga. Anh Tư ra tỉnh lần này là
lần thứ hai, còn mang máng nhớ đường và nhớ tòa nhà hai tầng, cửa có
hàng rào song sắt của ông bà phán. Hai vợ chồng lếch thếch, ríu vào nhau
mà đi. Tới một tòa nhà hai tầng, anh Tư không còn ngờ gì vì sân có xác
pháo. Nhà có việc vui mừng, xác pháo là dấu hiệu. Anh ý tứ bảo vợ theo
anh đi vòng ra phía cửa sau.
Cô Lan - cô dâu - niềm nở đón vợ chồng anh Tư, và trách mãi rằng sao
lại vẽ vời mừng rỡ làm gì cho phiền phức.
- Hai bác ra chơi là đủ, còn chim thì để mà nuôi có hơn không.
Chị Tư toan đáp nhưng đi đến cái chỗ long trọng này, chị rất sẵn lòng
nhường quyền ăn nói cho chồng. Nhưng anh Tư tính vốn thế, lẳng lặng
chưa đáp cô Lan. Anh đang chợt nghĩ đến một buổi tối trời, có bốn con
chim không biết ở đâu bay lạc đến đậu trên mái bếp. Anh lừa tóm được cả.
Xem ở chân có đeo mấy chiếc sáo anh mới biết là chim thi bạt gió mà lạc
đến. Vậy thì cái lễ vật này là của trời cho, chứ vợ chồng anh làm gì có tiền
mà mua. Anh toan nói thực thà, anh vừa gãi tai thì cô Lan đã chạy vút ra
cửa trước để đỡ cho bà phán những gói hàng bà đi mua về. Anh chị Tư ra
chào ông bà phán. Ông phán mắng mãi về sự bày vẽ kia. Bà phán đang bực
mình sự gì, không cho cái việc ấy là cần nói đến.
Khách khứa ra vào mừng rỡ ầm ầm. Cô Lan mải cười nói với các cô bạn
tân thời. Bà phán lại lên xe nhà đi luôn. Ông phán thì nằm hút ở phòng
riêng, không nói năng gì.
Vợ chồng anh Tư loanh quanh dưới nhà bếp. Bồi, con sen, thằng nhỏ, vú
già, ai cũng tấp nập, mổ gà, mổ vịt. Mấy cô bạn tân thời của cô Lan thì đua