- Như Hà đóng vai chính thay ta? Như Hà! Ô hay, sao Như Hà thuộc vở?
Từ khi bắt đầu tập, tới khi tập xong, cô ấy chỉ giữ vai người vú em nhà bà
phủ Tám, bộ điệu ngớ ngẩn, vụng về. Hoàng Thanh cũng không trao cho cô
ấy một bản sao nào, thế thì cô ấy lấy gì để luyện?
Kim Dung đang suy nghĩ thì màn kéo lên cảnh miền duyên hải: một bức
phông mây, nước. Ngổn ngang những hòn đá nhọn nhấp nhô. Tắt đèn làm
tối. Lấy khói làm sương. Cúc Lệ loạng choạng nhô đầu sau bóng lá, trèo lên
mỏm đá, tóc xõa sau lưng... Cúc Lệ tìm con... kể lể nỗi niềm... oán chồng tệ
bạc, khóc than như kẻ điên rồ...
Trong ba mươi phút, mỗi tiếng nói của người thiếu phụ ấy là một tiếng
kêu thương gieo vào lòng công chúng... Một cái trượt chân của người đàn
bà khốn nạn ấy khi lăn mình trên hàng đá nhọn là một niềm thương xót cho
những khán giả giầu tình cảm... Mãi tới lúc Cúc Lệ ngó theo chồng bắt đứa
bé, chở thuyền ra xa, nàng ngất đi, ngã xuống... màn đang từ từ hạ... thì
khán giả vỗ tay như pháo, hoan hô cái tài hiếm có của Như Hà, ngôi sao
mới lần đầu ra mắt công chúng Thủ đô.
Kim Dung lúc ấy quên hẳn nỗi ghen hờn, ích kỷ cũng vỗ tay khen ngợi
người mà trước kia cô cho là vô dụng, song hiện nay đã đỡ thay cô cái gánh
nặng nề một cách vẻ vang xứng đáng, đã cố công lấy lại danh tiếng cho vở
kịch của Hoàng Thanh đáng lẽ vì cô mà sụp đổ.
* * *
Hai giờ đêm. Như Hà về nơi gác trọ, uể oải trèo trên chiếc cầu thang
lung lay, bước lên sàn. Chán nản, cô vất bó hoa của một khán giả vừa tặng
xuống mặt bàn. Cô đánh diêm châm ngọn đèn dầu nhỏ, cởi áo treo lên mắc.
Sắp buông màn nằm nghỉ, cô chợt nghe tiếng động sau lưng. Cô ngảnh lại,
vội kêu lên một tiếng:
- Ồ, chị Kim Dung, chị về Hà Nội lúc nào?