lên sẽ làm to. Nó sẽ tận dụng cái tài leo cây này leo lên “cây danh vọng”,
tất nhiên sẽ trúng, sẽ đạt, không cần ai dạy dỗ, con cháu mình thua nó, sẽ
thờ nó là thầy. Thằng này bé đã biết thời cơ, luyện leo trèo tự bây giờ. Giỏi
lắm!” Tôi mỉm cười, thầm thưởng thức câu nói đùa của ông già. Chợt từ
một ngôi nhà cũ kỹ, có lẽ xây từ thời bạch chủng cướp chiếm Thăng Long,
bay ra một mùi thơm quen thuộc, gợi cho người ta quên cái rét gió mưa. Đó
là mùi thơm của cà phê rang.
Tôi vốn nghiện cà phê, nhưng bệnh ruột bắt tạm bỏ cà phê ít tháng. Nay
lại đột nhiên gặp bạn tri âm, người tôi nóng hẳn lên, huyết mạch xốn xang
trong cơ thể. Ngó nhìn vào trong nhà, ánh điện tranh tối tranh sáng, tôi biết
là tiệm cà phê, dứt khoát bước vào. Mưa lưu giữ khách. Có đến hơn chục
đầu người đang sát kề nhau tán dóc. Không còn một ghế ngồi. Tôi ngơ ngác
nhìn vào căn phòng trong, cũng tranh tối tranh sáng, nhưng một linh cảm
cố hữu trong tôi nó báo tôi biết đây là một phòng tranh lớn, một kho tác
phẩm hội họa, chủ nhân có lẽ là một nhà sưu tầm, một danh họa nào đây.
Tôi chào cô gái nhỏ bán hàng sau cửa sổ, xin phép vào thăm hỏi chủ
nhân. Cô gái tươi vui nhanh nhảu mời tôi:
- Xin bác cứ vào, bố cháu ngồi trong ấy.
Tôi vào. “Bố cháu” là một người không già, chẳng trẻ, một người không
có tuổi, cơ thể gầy còm, quần áo xềnh xoàng, ngồi bó gối trên chiếc ghế gỗ
khá to, cắm cúi trên một tập sách dày, vẻ đăm chiêu suy nghĩ, không ngẩng
lên nhìn khách lạ.
Tôi đằng hắng, lúc đó mới được trông mặt chủ. Ông từ tốn đứng lên, vái
chào tôi.
Tôi đảo mắt nhận xét nhanh toàn bộ phòng tranh thầm nhủ đây là một
tay chơi tranh có cỡ. Ai vậy? Phải chăng là cái ông “Lâm cà phê” gì đó,
mình nghe người ta đồn đại cái tên ông đã lâu ngày.