mỏng đã từ lâu, hoặc mới gần đây, ném bút nghiên, giã từ cõi tạm này về
nơi cảnh ảo.
Lẫn tâm trạng như tôi, ông Lâm đột nhiên vẻ mặt buồn rầu, ít nói. Phòng
dưới nhà, phòng trên gác có chừng tới ngót nghìn tranh, đủ loại, đủ đề tài,
trường phái, kỹ thuật khác nhau. Đây là một kho báu ngọc, tụ hội gần trọn
vẹn cả một kỷ nguyên hội họa, kể từ đầu thế kỷ hai mươi.
Trẻ xưa hát:
Rồng vàng lấy nước được mùa
Cọp trắng giữ nước chúa vua đi cày.
Tiếng trẻ nít hát vui, thế mà bạch quỷ một dạo nhân Cần Vương văn thân
nổi khắp, đã nhộn lên bắt bớ, tra hỏi ai dạy chúng!
Tri kỷ thân tình dễ buộc. Chỉ trong chốc lát, ông Lâm đã dễ tỏ lòng gắn
bó với tôi. Hai căn nhà đồ sộ chất đầy tranh các danh họa (phần lớn là bạn
tôi); tranh treo dưới nhà, trên gác không phân loại trường phái, chất liệu
sơn mài, lụa, giấy, cũ, mới. Có tranh Tardieu, Jonchères, Ingembety - “thầy
của những bậc thầy”, chính các ông này tự phong mình như vậy. Jonchères
tự đắc rằng: Các anh họa sĩ Việt chỉ đủ sức vẽ tranh lụa, sơn mài. Còn tranh
sơn dầu phải có tài cao mới vẽ nổi. Họa sĩ Việt ức lắm, không dám cãi. Duy
có Tô Ngọc Vân dám viết báo Volonté một bài dài: “Các ông đừng tự phụ,
họa sĩ Việt Nam chúng tôi đủ sức sáng tác những tác phẩm lớn với đủ
chủng loại, có thể nói là còn làm những cái khó hơn các ông đang làm, đó
là điêu khắc, phù điêu...” Jonchères tức lắm, nhưng không làm gì nổi Tô Tử
(tức bút hiệu Tô Ngọc Vân). Thời cũ, trong số họa sĩ, Tô Tử có học thức
hơn cả, dám bút chiến với thầy Tây ba bài liền bằng Pháp ngữ phong phú
của ông.
Lâm kéo ghế gần tôi. Vui câu chuyện, tôi ngắm con người yêu nghệ thuật
bé nhỏ lành hiền, đĩnh đạc này, tự nhiên nảy ra ý nghĩ tâm sự về đời riêng