vẫn, còn có cả những xác chết không rõ lai lịch từ thượng nguồn trôi đến,
tục gọi là “chết trôi sông”. Lại còn có nhiều tên hung thủ chịu khó chặt xác
nạn nhân rồi ném xuống sông hủy thi diệt tích, người chết oan như vậy
nhiều không đếm xuể, khó tránh khỏi có chuyện ma quái xảy ra. Bất kể
hiện tại nhìn nhận những chuyện như vậy thế nào, người xưa đối với
chuyện quỷ thần đều vô cùng mê tín, phàm là xác chết trôi vớt từ dưới sông
lên thường đều đem đến nghĩa trang chôn cất. Mà trách nhiệm trông xác
ban đêm cho đến khi đem ra nghĩa địa mai táng, từ đầu tới cuối đều dồn hết
về cho đội mò xác. Những người này ngoại trừ thông thuộc thủy tính và to
gan lớn mật ra, còn có một số biện pháp riêng có thể khu quỷ trừ tà, bằng
không thì chẳng còn ai làm được phần này như vậy.
Dĩ nhiên những chuyện như thế đều là những lời mê tín mà thôi. Từ thời
Dân quốc tới nay, đội mò xác đã trở thành “Đội cảnh sát trên sông Ngũ
Hà”, nhưng mà dân chúng vẫn quen gọi họ là đội mò xác, cũng có khi là
Đội tuần sông, cho đến sau ngày giải phóng mới sửa thành Công an đường
thủy. Quyển sách này của chúng ta nói về “Hà thần”, là để chỉ một người,
người này họ Quách tên Đắc Hữu, là con thứ trong nhà. Quách nhị gia thủy
tính giỏi giang hiếm thấy, mặt sông mùa đông đóng băng cứng ngắc, chỉ
cần đục băng ra cũng có thể lặn xuống dưới được. Hắn chỉ là một viên chức
nhỏ của Đội cảnh sát trên sông Ngũ Hà, cả ngày tiếp xúc với xác trôi sông,
trong mấy chục năm đã phá vô số vụ kỳ án mà chỉ nghe qua thôi cũng
khiến người ta rợn cả người, cũng đã cứu mạng rất nhiều người sẩy chân
rơi xuống nước, bình sinh kinh nghiệm vô cùng phong phú, lại mang trên
mình sắc thái truyền kỳ. Người Thiên Tân thích đặt tước hiệu cho người
khác, đọc qua rất dễ nhớ, dễ ghi, cũng rất thuận tai. Người thời ấy nhắc tới
Quách sư phụ thì đều xưng là “Hà thần”, dĩ nhiên là không cùng một loại
với mấy vị Thần linh hay Long vương gia ở Thủy cung.