3. GIÁ-TRỊ NHỮNG BÀI VĂN
Trong tình-trạng ấy, bài Hà-thành thất-thủ ca được viết ra. Bài ấy viết
từ tháng tư năm Nhâm-ngọ 1882, và sau thêm dần, đến tháng chín mới thôi
(xem đoạn đầu và cuối bài). Tác-giả là ai ? nay ta không biết. Lời văn giản-
dị, ý-tứ khá chất-phác, làm ta tưởng đến một nhà nho bình-dân nào đó, tiêu-
biểu cho kẻ bình-dân đương-thời. Xét thấy trong bài có một ít tiếng đàng
trong dùng (như : « ni, mi, mần răng » ở câu 79-80 ; « vô » ở vế 62, « nớ » ở
vế 105), và những vần sai nhưng người đàng trong hay gieo vì giọng đọc
riêng (như : « bắc » với « bắt » ở các vế 193-194, « vàng » với « đoàn » ở
các vế 115-116, « then » và « Tường » ở các vế 40-41, « quang » và « vàn »
ở các vế 223-224), thì ta nghi rằng tác-giả có thể là người đàng trong ra ở
Hà-nội. Nhưng đó cũng không lấy gì làm chắc.
Bài « Hà-thành thất-thủ chí công quá ca » mà thường gọi là « Chính-
khí-ca » có lẽ viết liền sau khi Hà-nội thất-thủ. Tác-giả có lẽ cũng cùng là
tác-giả bài trên, và chắc là tác-giả những bài đường-luật ở đoạn IV. Cách
dùng vần, như đã nói trên, ở đây càng rõ-rệt. Chữ « gian » với « thương » ở
câu 108-109 là khó tránh đã đành ; còn như « đoàn » với « tàng » ở câu 70-
71, nếu tác-giả là người đàng ngoài thì đã đổi « đoàn » ra « phường » cho
khỏi lạc vận. Về bài này, có kẻ nói là của một nhà văn có tính ngông, đời
bấy-giờ tên là Ba Giai. Nhưng chẳng qua là vin vào mấy lời châm-biếm để
phỏng-đoán mà thôi.
Còn riêng về ba bài ca khúc điếu thì có lẽ là của người khác. Lời văn
cầu-kỳ, dụng điển-cố hơn các bài trước nhiều.
Xét về giá-trị văn, ta nhận thấy rằng hai bài ca có giá-trị văn tự-sự rõ-
ràng, giản-dị mà không quê, không ép vần, ép chữ. Văn lại viết bởi người
sống trực-tiếp những biến-cố kể trong đó, cho nên giọng văn thiết-thực, gợi
được tình-cảm vui buồn, tức giận, mong-mỏi hay phàn-nàn. Ở nước ta,
thường thiếu những loại văn này. Cho nên giá-trị hai bài ấy lại càng tăng.
Những bài điếu thì thuộc loại văn tiêm-nhiễm nho-học nhiều. Mà lời
cũng như ý, phần nhiều là sáo cả.