ngược đời như vậy, tuy đang buồn, Thuận cũng thấy tức cười. Hắn nghĩ lão
Bảy cả một đời sống đã khổ, chết đã âm thầm, mà cuộc hành trình từ cái
nhà xác lạnh lẽo tới nấm mồ vô chủ, quạnh hiu, ở tận đâu trên núi kia, cũng
còn gặp phải lắm nỗi trắc trở, nhiêu khê. Thuận những lo, với ngày trời tốt
nắng như thế này và con đàng lắm dốc, ngoài cái trạm chợ mà bác Cẩm cần
ghé để nhậu nhẹt ra, cỗ quan và cái xác lão Bảy sẽ còn phải trải qua nhiều
lần được nằm chổng đít lên để phơi nắng như vậy. Cám cảnh và không biết
làm gì hơn, hắn bước lại đốt thêm một nén hương cắm vào xe. Nhìn mặt
trời, Thuận thấy sốt ruột và đâm oán bác Cẩm vì cái lối ăn uống khề khà
của bác, ngay trong lúc phải đưa người chết đến mộ địa. Nhưng hắn càng
nôn nóng thì, trong quán, bác Cẩm lại càng có vẻ cà kê với bát mì, cút rượu.
Ăn xong, bác còn ngồi nán, trò chuyện ba hoa với bà quán, cho chán chê rồi
mới chịu cắp nón ung dung bước ra, vừa đi vừa xỉa răng. Thấy hắn, bác
cười :
-Hừ, đi thôi. Mày lại vừa thắp hương à ? Thằng này chu đáo thật. Mày
bà con thế nào với lão ?
Thuận ngắm bộ mặt đỏ gay của bác Cẩm. Đã ghét, lúc này hắn càng có
ác cảm thêm nên hắn chẳng muốn trả lời. Bác Cẩm thì chừng như chỉ hỏi
cho có chuyện, vì vừa hỏi xong, bác đã cúi xuống đỡ càng xe lên. Đám ruồi
lằng nghe động, bay lên tán loạn. Một số ít đáp xuống chỗ cũ. Chiếc xe lại
từ từ lăn bánh. Mặt trời tuy chưa cao lắm, nhưng ánh nắng có chiều gay gắt.
Mồ hôi bắt đầu chảy nhỏ giọt từ trán và hai cánh tay trần xương xẩu của bác
Cẩm, thấm ướt chiếc áo cánh màu thanh-thiên. Sắc mặt bác càng đỏ thêm.
Vừa qua khỏi cầu, bác lại đằng hắng mấy tiếng, khạc nhổ rồi tắc lưỡi :
-Ái chào ôi ! Sao mà nặng lắm thế nầy. Sống khôn thác thiêng, muốn
chóng được xuống mồ thì để người ta kéo đi, chứ làm cái quái gì mà nặng
trì trì vậy lão ? Có quấy phá chơi thì trở lui mà quấy phá lão Chình, chứ tao
với lão có việc gì đâu ?