muốn tỏ tình, khiến Nguyễn đâm ra ngượng vì nghĩ Trang đoán được thâm
ý của hắn và không đồng tình nên lo rào đón trước chăng. Nguyễn vội hỏi :
- Sợ gì ?
Trang ngẩng lên nhìn ngay vào mắt Nguyễn rồi lại cúi mặt áp nghiêng
má trên đầu gối, đưa tay vốc nhẹ nước suối :
- Em sợ chết.
Cho là Trang tìm đường nói quanh, Nguyễn liếc nhìn một cách lẳng lơ,
hỏi tiếp :
- Sợ chết ?... Còn sợ gì nữa không ?
Trang lắc đầu :
- Sợ chết thôi, chứ còn sợ gì nữa ? Thời này dễ chết quá. Ngay bây giờ
đây, một viên đạn lạc hay một quả bom rơi nhầm là rồi. Cứ nghĩ đến em lại
rùng mình. Chết trẻ thì uổng quá !
Trang bỗng ngừng lại, nhích lùi vào trong. Một chiếc phi cơ liếc nhanh
qua trên suối. Tiếp theo là tiếng đạn tành tạch trút thành những chuỗi dài
liên tiếp với những tiếng dội hơi chậm từ dãy núi bên kia đưa lại.
Nguyễn nép mình vào thành đá. Lần này hắn chú ý đến tiếng súng và
tiếng bom vừa dội xuống dưới thôn. Câu chuyện của Trang tự nhiên làm dịu
bớt phần nào cái háo hức, nôn nóng được thực hiện ý định của hắn, khiến
hắn trở về với mối băn khoăn giao động ám ảnh lâu nay. Chính Trang đã
làm cho Nguyễn gặp lại tâm trạng của hắn trong tâm trạng của nàng. Sự
giao động, hãi hùng gây nên bởi cuộc sống bấp bênh với những thảm họa
vô thường cùng những cảnh sát hại, chết chóc kéo dài mãi trong máu lửa đã
ngấm dần vào người hắn từ lâu nhưng phải chờ đến lúc bột phát hắn mới
cảm thấy. Lâu nay hắn cũng hoang mang, cũng sợ chết ngay ngáy và trước
những cảnh chết chóc, hắn đâm ra khiếp sợ cuộc chiến tranh kéo dài tuy
hắn chỉ sống ở hậu phương. Nhưng vì tính sĩ diện, vì sợ bị phê bình, sợ