- Tao cũng vậy. Lão Bảy thế mà còn có phúc. Tao làm xác cho Lão cẩn
thận hơn cho người nào cả, vì niệm cái tình cùng làng đó. Lão lại chết vừa
gặp kỳ vải của một bà lão nhà giàu hảo tâm cúng cho bệnh viện, nên được
liệm tươm tất hơn. Bây giờ ra đi, lại có mày... Hừ, mày không bà con gì cả.
Người dưng ? Lúc còn sống lão đối với mày như thế nào mà mày thương
lão lắm vậy ? Chắc lão tử tế với mày lắm phải không ?
Câu hỏi sau cùng vô tình nhắc Thuận một cái gì mà tự hắn cũng khó
nghiệm ra. Chính hắn cũng chẳng hiểu vì sao hắn lại chịu khó đi đưa lão
Bảy lên tận huyệt mả ; tại sao trước cái chết của lão, hắn không thể dửng
dưng được như thường lệ. Quả thật đây là lần đầu tiên, hắn phải băn khoăn
nghĩ ngợi nhiều về cái chết, về một người chết. Mồ côi cha mẹ từ thuở còn
măng sữa, bơ vơ lạc lõng, trơ trọi trên đời, Thuận chưa hề có dịp phải đau
khổ, buồn tiếc, thương xót vì sự khuất bóng của một linh hồn thân yêu nào
cả. Hắn chỉ được chứng kiến toàn những cảnh chết chóc của người dưng,
với cái tò mò của tuổi trẻ và một ít thoáng gợn buồn thương, bất nhẫn trong
lòng, một ít cảm giác rờn rợn, pha lẫn cái vui mừng ích kỷ của con người,
khi thấy mình còn may mắn chưa vướng phải lưỡi hái của Tử Thần, để rồi
hắn lại lãng quên ngay với chuyện kiếm ăn hằng ngày giữa cái ồn ào, náo
rộn của phố phường, bên hè một tiệm cà-phê gần chợ. Thật chưa bao giờ cái
chết của tha nhân gieo được vào lòng hắn một xúc động mãnh liệt như lần
này. Càng ngẫm nghĩ hắn càng ngạc nhiên vì người chết lại chính là lão
Bảy.
Hắn gặp lão Bảy ở tiệm ông Chình cách đây đã được ba năm. Trong ba
năm trời, tuy cùng chung đụng, gần gũi nhau hàng ngày dưới mái hiên sau
của tiệm cà-phê, nhưng giữa lão với hắn thật chẳng có một mối liên hệ nào
đáng kể, ngay cả về mặt nghề nghiệp làm ăn. Hắn đánh giày để độ nhật.
Còn lão, lão sống với cái nghề rang và xay cà-phê, giúp việc nước nôi, quét
dọn ở cửa tiệm. Ngày ngày hắn thường gặp lão, thấy lão, nhìn lão, nói năng
cười cợt với lão, và đêm đêm hắn cũng hay gác chân lên người lão để ngủ,