Vừa nói xong, người đàn ông lạ mặt nhe cả hai hàm răng gồ ghề, vàng
khệnh ra mà cười. Nhìn cái diện mạo và cách ăn nói của lão tôi đâm ra ghét
cay, ghét đắng. Tôi biết lão « dạ » nhiều là chỉ vì một thói quen của hạng
người hay vào luồn ra cúi ở chốn quyền môn, chớ không phải vì lão nể
nang cụ Tú. Ngay ở gương mặt lão lúc này, tôi nhận thấy cái vẻ đắc chí hí
hởn và mặc dầu tôi còn nhỏ, tôi cũng không lạ gì mà không biết lão cố nói
xỏ ông cụ để trả cái thù bị đuổi khéo hôm trước. Tôi cứ lo ngay ngáy rằng
cụ Tú nổi đóa lên. Nhưng lạ một cái là cụ vẫn điềm tĩnh. Tôi thấy cụ cắn
chặt môi dưới một lúc, rồi thong thả nói :
- Ông muốn bao nhiêu cứ định lại đi. Tôi xem được thì tôi để cho.
Người đàn ông lại vác cả bộ mặt phì nộn lên, cố nhướn cặp mắt lươn
nhìn ông cụ :
- Dạ… thưa cụ, hì… hì… dạ cụ dạy cho thì hơn. Tôi khó nói quá.
Cụ Tú vuốt râu, nhìn qua hai chậu lan :
- Tôi bớt cho ông năm « trự ». Thế là nhiều lắm rồi. Chỉ vì có chút việc
cần mà tôi phải chiều ý, chứ không thì…
Người đàn ông mua hoa nhe răng ra cười :
Dạ, dạ thưa cụ… quả có thế. Những người như… dạ như quý cụ thì có
bao giờ nghĩ đến chuyện bán hoa. Hì… hì… cũng may là cụ có việc cần
nên chúng tôi, dạ chúng tôi hì… hì mới được… dạ mới được cụ gọi đến…
Nhưng dạ thưa cụ, dạ thưa cái giá đó còn đắt quá, mà dạ có kéo dài thêm
nữa, dạ có kèo nài thì ra cái chuyện không phải với cụ. Thôi thì dạ thưa cụ
tôi xin lui… dạ…
Cụ Tú nhìn sững người đàn ông. Mặt cụ hơi ửng đỏ và môi dưới càng
được cắn chặt thêm. Chừng như cụ không muốn nói nữa. Nhưng đến khi lão
vái chào bước ra, cụ Tú bỗng đằng hắng, rồi bảo :
- Thôi thì bớt ông đủ chục đấy.