rơm rạ và, ở một mặt khác, được gần lại với chốn cao môn, tuy chỉ gần để
phục dịch. Với nó, lão lại còn được cái quyền vận vào người một cách khá
đặc biệt. Nghĩa là một cái khăn niền đen, chữ nhân, bằng vải dù, một cái áo
« cổ hò » màu xanh đậm, một cái quần vải trắng. Nhưng với ngần ấy thứ,
lão vẫn không biến cải được cái cốt dân quê với tấm thân vạm vỡ, màu da
sần sùi, đen đủi, bộ mặt ngớ ngẩn và hai bàn chân, hai bàn tay quá thô kệch.
Cả trong những ngày khánh tiết với cái nón bọc vải xanh và đôi xà cạp màu
xanh, người lão cũng vẫn thế mà thôi.
Thập Bản chực sẵn sàng ở tư dinh cha tôi để đảm nhận một cách sốt
sắng và hãnh diện cái phần hành mà lão tự phụ là rất sở trường. Lão giữ
nhiệm vụ hầu xe. Gần gũi lâu ngày, tôi càng nhận thấy rằng Thập Bản, với
công việc này, đã toại được một phần lớn chí nguyện bình sinh của lão. Tuy
ngoài việc hầu xe, lão cũng còn nhiều công việc khác. Chẳng hạn như lão
phải trồng trọt, chăm sóc vườn hoa hoặc giúp đỡ người bếp già trong việc
nấu nướng. Nhưng chính hầu xe mới thật là một cái gì thích hợp với chí
hướng, khả năng và cái hứng sống của lão. Thập Bản vừa đắc ý, vừa say
sưa, kiêu hãnh với cái công tác cần vụ này. Lão thường khoe với nhiều
người :
- Tôi hầu xe thế này là đã được bốn năm với ba đời quan rồi. Cụ Thị
Binh này, cụ Tham Hình này, cụ Tham Hộ này. Cụ nào cũng khen, cũng
thích tôi cả. Vì cụ nào cũng vừa lòng cả.
Mà quả thật thế. Nếu cái việc hầu xe giỏi cũng được coi là một thứ
danh thì lão phải thuộc vào cái hạng « danh bất hư truyền ». Thập Bản
không nói ngoa chút nào. Mấy ông bạn đồng liêu của cha tôi, mỗi lúc đến
nhà và trong những câu chuyện phiếm, khi bàn đến chuyện kẻ hầu người hạ
là thế nào cũng không quên nhắc đến lão. Tôi thường được nghe những câu
« tuyên dương công trạng » chẳng hạn như :