- À, cái thằng cha Thập Bản dạo này lại về hầu cụ. Tôi tiếc nó quá.
Tìm được một tên kéo xe giỏi như nó thật là khó lắm nhé ! Kể về cái tài hầu
xe của nó cũng ít đứa bì kịp.
Rồi thì bao nhiêu đức tính của lão đều được các ngài kể ra. Nào là lão
có sức chạy dai. Nào là lão chạy nhanh mà êm ái, không nhồi, không xóc.
Nào là lão giỏi chịu đựng, nhiều hôm phải nhịn đói vì những cuộc yến tiệc
kéo dài quá khuya mà không mệt mỏi. Nào là lão biết trân trọng gìn giữ xe
cộ. Nào là... nào là... đủ thứ. Có ông, vì dào dạt thiện cảm đối với lão, còn
vỗ đùi mà nói lớn :
- Ai chao ! Thằng cha thế mà có lương tâm. Lắm lúc nó biết quý xe cộ
mình hơn là chính nó. Tội nghiệp, chính vì thế mà tôi thương nó vô cùng !
Cứ nghe những câu ca tụng này, tôi có cảm tưởng là các ông bạn đồng
liêu của cha tôi đang nói về một con ngựa hơn là một con người. Tôi nghĩ
mà thương hại cho lão. Nhưng rồi lắm lúc tôi đâm ngờ vực cả óc xét đoán
của tôi về việc đời, vì tôi thấy lão không buồn phiền chút nào cả mà trái lại,
lão rất vui thích. Những lúc như thế, lão rình nghe và lấy làm đắc ý lắm. Bộ
ria đen của lão rung rung và mũi lão cứ phồng cướng lên mãi. Rồi hí hởn,
lão nhón chân chạy xuống khoe với người bếp già :
- Đấy, đấy, các cụ lại khen đấy. Anh có nghe không ? Nói không phải
nói phét chứ những bọn lính hầu ở khắp lục bộ này chả thằng nào ăn đứt
được tôi. Hì... hì...
Và không để ý đến cái lườm tức tối, ganh tị của người bếp già, Thập
Bản ngồi xuống giường, tựa lưng vào cột, hai tay ôm lấy gối, ngửa mặt lên,
nhoẻn miệng cười. Chưa bao giờ tôi được thấy bộ mặt hí hởn một cách ngu
xuẩn và một cái cười khả ố như bộ mặt và cái cười của lão vào những lúc
này. Tuy vậy, tôi – cũng như anh chị tôi – rất có cảm tình với lão. Là vì
Thập Bản rất vui tính lại dễ sai bảo. Lão còn hay chịu khó để chìu theo sở
thích của chúng tôi. Lấy tổ chim này, hái khế, hái nhãn này, đan lồng chim,