biết hưởng đủ những cái thứ trong kho thiên nhiên vô tận. Trăng và gió, cố
nhiên rồi, ở đâu lại chẳng có trăng và gió. Nhưng ở đây, ngoài trăng gió ra,
còn có cái món hào vị ngon lành ấy mà trời đã dành sẵn trong dòng sông
này cho những hạng tao nhân, mặc khách và cũng như gió với trăng, cá kia
còn mãi. Không bao giờ hết được.
Nhồi thuốc vào bụng con tôm cuối cùng xong, ông Dương rửa tay, vấn
thuốc hút, rồi rung đùi mà nói :
- Chẳng biết con cá của Tô Đông Pha đánh chén trên sông Dương Tử
trong bài Xích-bích phú ấy nó ngon đến ngần nào nhỉ ? Nhưng dám chắc có
ngon cũng không bì đâu được với cái ngữ cá hanh của dòng Tiêu-kim-thủy
xứ mình. Giá gã thi sĩ họ Tô còn sống, qua Việt Nam, lò mò tới Huế đây mà
xực lấy một bữa cá hanh nướng với rượu, mình e rồi giữa cái cảnh sơn
thanh, thủy tú này, hắn ta cũng đến nổi hứng lên mà làm một lúc mười hai
bài phú bất hủ như rứa chứ đừng thèm nói một bài đó.
Giám Khôi cười lên ha hả, chui ra khỏi khoang ngồi uống trà góp
chuyện :
- Phải lắm ! Chơi chớ cái ngon thì thật là bất khả ngôn rồi ! Ăn canh cá
hanh theo lối này đã ngon mà lại thú. Ngon vì cá thơm và béo, mà thú là thú
ở cái chỗ tự tay mình đánh lấy, bắt lên rồi nướng liền còn đang nóng sốt. Ấy
cũng là cá hanh mà ai mua về làm sẵn sàng, ăn nghe nó không thích thú
bằng. Mấy cụ mình hồi xưa hay chơi cái lối này kể cũng khôn lắm.
Vừa lúc ấy, một chiếc đò ở đâu rẽ nước từ từ tiến lại. Trưởng Tước vỗ
tay mà reo lên :
- A ! Kia rồi ! Viên Thiệu đã về lại có cả giai nhân nữa. Biết lắm mà,
hắn mà đi triệu thì phải có. Chính con Thủy đó ! Bữa nay cô ả có đâu chiếc
áo độn vai mới trông đã xinh chưa tề ! Thủy ơi Thủy ! Mau lên kẻo giám
Khôi nó trông mòn con mắt từ mai đến chừ.
Khi chiếc đò mới tới vừa đậu sát lại bên đò này, Viên Thiệu đã hỏi :