Nguyễn nói câu sau cùng với cái giọng hằn học, chua chát như đay
nghiến. Tự nhiên ông Chánh ngẩng lên nhìn chăm chú vào mặt Nguyễn. Và
chỉ trong giây lát, sắc diện ông đã đổi khác hẳn đi. Cặp mắt nẩy lửa dịu
xuống trong cái vẻ lờ đờ, xao xuyến, gương mặt trở nên lầm lì như cũ với
những nét bối rối, âu lo. Sự diễn biến đột ngột về thái độ của ông Chánh lúc
này, làm cho người ta phải nhớ tới một con hổ trở chứng, đang hung hăng
gầm thét lồng lộn, vụt chùn mình lại, trở nên ngoan ngoãn dưới làn roi điện
của tay chuyên dạy mãnh thú.
Chống khuỷu tay vào bàn, cúi đầu xuống, đưa hai bàn tay đỡ lấy vầng
trán rớm ướt mồ hôi, ông Chánh thở dài :
- Ừ, thì tùy đấy ! Tao cũng nói hết lẽ mà nghe vậy thôi. Mày đã lớn rồi,
đã có vợ, có con rồi chứ không phải còn nhỏ dại như con Lan, con Huệ, bọn
em mày nữa. Khôn thì nhờ, dại thì chịu. Tao có nói lắm cũng vô ích.
Rồi bỗng nhiên ông cười lên khanh khách, nhìn bà cô già của Nguyễn :
- Cô nó nghĩ có phải không ? Cái đứa nó đã chẳng muốn nghe thì nói
lắm làm gì...
Đánh hắng thêm mấy tiếng, ông tiếp với cái dáng uể oải, nhọc nhằn
của một người bất lực :
- Tôi cũng chẳng hiểu phải như thế nào mới là được tích sự. Ăn rồi đi
bắn mãi như vậy mới... được tích sự.
Nguyễn đỏ mặt lên, lớn tiếng :
- Không được tích sự gì nhưng ít ra nó cũng đỡ buồn.
Câu nói này được chấm dứt bằng một tràng cười lanh lảnh tinh quái,
khiến bà Thỏa phải nhăn mặt, bảo nhỏ :
- Thôi anh Cả. Đạo làm con...