nhân của ông bác sĩ, cũng kiêm luôn phòng ăn; phòng thứ ba là phòng
ngủ của bác sĩ, những đốm nắng rọi vào phòng không ngừng lay động
qua tàng cây tiêu huyền xào xạc ngoài sân, và ở đây, trong một góc là
chiếc băng ghế thợ giày và khay đồ nghề không đụng tới, chẳng khác
gì nó đang đặt trên tầng năm ngôi nhà ghê rợn cạnh tửu quán vùng
ngoại ô Saint Antoine ở Paris.
Ánh mắt dừng lại ở băng ghế đó, ông Lorry nói một mình:
− Chẳng hiểu ông ấy giữ cái này làm gì? Để nhớ cái thời đau khổ ấy
sao?
− Hiểu để làm gì? - Câu hỏi đột ngột khiến ông giật mình.
Đó là tiếng của chị Pross, người phụ nữ tóc đỏ ngang tàng, với cánh
tay mạnh mẽ, mà ông đã gặp lần đầu tiên trong Khách sạn Royal
George ở Dover, kể từ đó đã trở nên thân quen.
− Tôi cứ tưởng... - Ông Lorry mở lời.
− Xì! Tưởng với tượng! - Chị Pross thốt lên và ông Lorry bỏ lửng
câu nói. - Ông khỏe không? - Chị ta nói tiếp, giọng gắt gỏng nhưng rõ
ràng là không có ác ý gì với ông.
− Cảm ơn, tôi khỏe lắm, - ông Lorry đáp, giọng nhún nhường, - còn
chị khỏe không?
− Chán mớ đời, - chị Pross đáp.
− Thật sao?
− À! Thật chứ sao! - Chị Pross nói. - Tôi đang bực cả mình về cô
chủ cưng đây.
− Thật sao?
− Lạy Chúa nói gì khác đi chứ đừng có “thật sao” nữa được không,
ông làm tôi tức muốn chết đây, - chị Pross tầm vóc thì cao chứ tính
kiên nhẫn lại ngắn.
− Ồ, vậy à? - Ông Lorry điều chỉnh lại.
− “Vậy à,” cũng chẳng hay ho gì, - chị Pross đáp, - nhưng còn hơn
không. Đúng vậy, tôi đang bực cả mình đây.