cô ấy cũng rất thương cha? Hãy tin tôi, chị Pross, tôi đề cập chuyện
này với chị không phải vì tò mò mà vì hết lòng lo cho ông bác sĩ.
− Chà! Điều tôi biết rõ nhất mà chẳng rõ bao nhiêu nghe ông, - chị
Pross hạ giọng nói với như bào chữa, - đó là ông bác sĩ sợ toàn bộ
chuyện này.
− Sợ?
− Lý do dễ hiểu mà, tôi nghĩ vậy. Đó là một điều nhắc nhở quá kinh
khủng. Vả lại, ổng đã mất trí nhớ vì chuyện đó. Không biết làm sao
mình mất trí, cũng không biết làm sao mình nhớ lại, có lẽ ông ấy đâu
có dám chắc là sẽ không mất trí nữa. Chỉ chuyện đó không thôi đã đủ
khó chịu lắm rồi, tôi nghĩ vậy đó.
Một nhận xét sâu sắc ngoài mong đợi của ông Lorry. Ông nói:
− Đúng rồi, và sợ phải nghĩ tới chuyện cũ. Nhưng trong lòng tôi cứ
thấy lo lo, chị Pross, không biết bác sĩ Manette lúc nào cũng giấu kín
không nói ra thì có tốt cho ông ấy không. Thực tình, chính vì nỗi lo
này mà tôi nhiều lúc thấy khó chịu nên bây giờ mới nói ra với chị.
− Đành vậy thôi, chị Pross vừa nói vừa lắc đầu. - Đụng tới chuyện
đó là ổng biến sắc muốn bệnh liền. Tốt nhất là để yên đi. Tóm lại là
phải để yên, dù muốn dù không. Có lúc ngay giữa đêm khuya ông ấy
thức dậy và chúng tôi nghe ở trên lầu ổng đi tới đi lui, đi tới đi lui
trong phòng. Cô chủ cưng biết là tâm trí cha mình đang đi tới đi lui, đi
tới đi lui trong nhà ngục hồi trước. Cô hấp tấp chạy lên, rồi hai cha
con cùng nhau đi tới đi lui, đi tới đi lui cho tới khi ổng bình tâm lại.
Nhưng ông ấy không nói một lời nào với con gái về cái lý do làm ổng
bất an, và cô ấy thấy tốt nhất là không nên nhắc tới chuyện đó với ông.
Hai người cứ im lặng đi tới đi lui với nhau, đi tới đi lui với nhau, cho
tới khi tình yêu thương và bầu bạn của cô làm ông ta tĩnh trí lại.
Bất kể chị Pross phủ nhận trí tưởng tượng của mình, cái cảm nhận
về nỗi khổ của kẻ bị giày vò khôn nguôi bởi một chuyện đau buồn đã
bộc lộ trong cách chị ta lặp lại cụm từ “đi tới đi lui” và chứng tỏ chị ta
đâu phải không biết tưởng tượng.