− Ta tin điều đó, - người cha rầu rĩ đáp, giọng nói buồn bã nghe như
lời than trách. - Trước đây ta đã từng nghĩ thế. Ta tin điều đó.
− Nhưng bác ơi, - Darnay nói, - xin đừng nghĩ rằng nếu cháu may
mắn được hưởng hạnh phúc có nàng làm vợ thì cháu phải chia lìa tình
phụ tử của hai cha con; nếu vậy thì cháu đã không thể hoặc không dám
hé một lời những gì cháu đang nói. Hơn nữa, cháu biết rõ không thể
nào chia rẽ cha con, cháu biết rõ làm thế là hèn hạ. Nếu như cháu có ý
định đó, cho dù năm tháng xa vời đến đâu, vẫn ấp ủ trong đầu, ngấm
ngầm trong tim... nếu cháu mà có ý định đó... nếu cháu mà đã nghĩ
như thế... thì lúc này làm sao cháu dám chạm vào bàn tay tôn kính này.
Anh đặt tay mình lên tay người cha trong lúc cảm xúc tuôn trào.
− Không, thưa bác sĩ Manette. Giống như bác, một người tự nguyện
rời nước Pháp sống tha hương; giống như bác, buộc phải ra đi vì bao
điều cùng quẫn, áp bức và bất hạnh; giống như bác, phải cố mưu sinh
bằng chính sức lực của mình và tin vào tương lai tươi sáng hơn; cháu
chỉ muốn đồng cam cộng khổ với bác, cùng san sẻ cuộc sống và gia
đình với bác, cùng trung thành với bác tới chết. Không phải để tước
đoạt của Lucie những đặc ân được làm con, làm bạn, làm bằng hữu
với bác mà là để giúp sức cho hai cha con thêm gắn bó hơn nữa, nếu
như có thể làm được.
Bàn tay anh vẫn nấn ná trên tay bác sĩ. Ông nắm tay Darnay một lúc
bày tỏ tình cảm rồi tựa cả hai bàn tay mình trên thành ghế bành, lần
đầu tiên từ lúc bắt đầu trò chuyện ông mới ngước nhìn lên. Trên
gương mặt ông là một cuộc đấu tranh, ông đang chống chọi với nỗi
hoài nghi và sợ hãi thỉnh thoảng vẫn trỗi dậy trong tâm tư.
− Cậu nói rất cảm động và rất có chí khí, Charles Darnay, ta cảm ơn
cậu hết lòng, và cũng sẽ trải lòng với cậu... hoặc gần như thế. Cậu có
lý do gì để tin là Lucie cũng yêu cậu không?
− Chẳng có gì. Cho tới nay vẫn không có.
− Có phải mục đích chính của cuộc trò chuyện này là cậu muốn
thông qua ta để biết tình ý của Lucie không?