sổ, quấn mình bằng mọi thứ áo xống rách rưới phần phật trong gió, là
những con người đã bị xay nghiền, tán nhừ trong cỗ máy bần cùng.
Cái cỗ máy đã nhào nặn họ là cỗ máy biến người trẻ thành già; lũ nhi
đồng có bộ mặt lão niên và giọng nói nghiêm trọng; và trên mọi gương
mặt trẻ con lẫn người lớn, hằn sâu trên những nếp nhăn tuổi tác, đều lồ
lộ một dấu hiệu: Đói. Cái đói hiển hiện khắp nơi. Cái đói ứa tràn từ
những căn nhà cao, trong mớ áo quần rách rưới phơi trên sào trên dây;
cái đói độn, vá, ghép, dán chung với rơm, giẻ, gỗ, giấy; cái đói tự phân
thân trên từng mẩu củi vụn của ông thợ cưa; cái đói trừng mắt nhìn
xuống từ những ống khói không khói bếp, cất bước trên con đường
bẩn thỉu đầy rác rưởi nhưng không có chút đồ thừa nào ăn được. Cái
đói khắc tên trên những kệ hàng của người thợ bánh, viết chữ lên từng
ổ bánh mì ôi bé choắt trong nguồn dự trữ ít ỏi; lưu dấu ở tiệm xúc xích
bán toàn thứ pha chế từ thịt chó chết. Cái đói lốp bốp rung tiếng
xương khô giữa mớ hạt dẻ nướng trong lò rang; cái đói tan thành
nguyên tử trong những chiếc bát mạt hạng chứa những lát khoai còn
nguyên vỏ, chiên bằng mấy giọt dầu chắt chiu.
Người làm sao của chiêm bao làm vậy. Một con đường hẹp ngoằn
ngoèo, đầy những thứ khó chịu và thối tha, rẽ sang nhiều con đường
hẹp ngoằn ngoèo khác, đâu cũng thấy những con người áo quần lam lũ
đội mũ ngủ, ai cũng nồng nặc, hôi hám, với những khuôn mặt thảm
đạm, bệnh hoạn. Trong dáng vẻ của những con người đó vẫn ẩn chứa
cái bản năng kháng cự của loài dã thú bị săn đuổi cùng đường. Dù u
uất và khốn quẫn, những đôi mắt vẫn hừng hực lửa; những đôi môi
mím chặt vẫn trắng bệch ra vì cố kiềm nén; những vầng trán nổi sần
nếp nhăn như sợi thừng trên giá treo cổ vẫn ôm ấp ý nghĩ cam chịu
hay trả thù. Những tấm biển hiệu trên mọi cửa hàng hầu như cái nào
cũng là một minh họa khắc nghiệt cho sự bần cùng. Các hàng thịt chỉ
vẽ hình những thứ thịt vụn ít béo bổ nhất; lò bánh mì vẽ những ổ bánh
khẳng khiu làm bằng thứ bột mì tồi nhất. Biển hiệu các tửu quán vẽ