− Ông đã có cả một cuộc đời hữu ích, lúc nào cũng ổn định và bận
rộn; được tin cậy; được kính trọng; và ngưỡng mộ.
− Tôi từ khi trưởng thành tới nay chỉ biết làm việc kinh doanh. Quả
thực tôi có thể nói tôi làm kinh doanh từ nhỏ.
− Hãy xem ông ở tuổi bảy mươi tám mà hãng cần ông đến thế. Bao
nhiêu người sẽ nhớ ông khi ông ra đi!
− Một lão già độc thân cô độc, - ông Lorry vừa đáp vừa lắc đầu. -
Chẳng có ai thương tiếc tôi đâu.
− Sao ông nói thế được? Lucie chẳng lẽ không khóc thương ông
sao? Con của cô ấy nữa chứ?
− Phải, phải, tạ ơn Chúa. Ý tôi không hẳn là vậy.
− Đó là điều phải tạ ơn Chúa, phải thế không?
− Chắc chắn là thế.
− Nếu như tối nay, ông có thể nói thành thật với chính cõi lòng cô
đơn của ông là, “không một ai từng yêu thương, quyến luyến, mang ơn
hay kính trọng ta; không một ai dành cho ta chút tình cảm nào; ta
chẳng làm được điều gì tốt đẹp hay hữu ích để có người nhớ đến!”,
nếu như vậy thì bảy mươi tám năm đời ông sẽ là bảy mươi tám lời
nguyền rủa, phải thế không?
− Đúng vậy, anh Carton; tôi nghĩ là thế.
Sydney lại hướng mắt về lò sưởi, và sau một lúc im lặng anh nói:
− Tôi muốn hỏi ông... Thời thơ ấu của ông chắc là đã quá xa xôi
phải không? Thời mà ông còn ngồi trên lòng mẹ chắc là đã mịt mù?
Trước thái độ đâm ra yếu mềm của anh, ông Lorry đáp:
− Hai mươi năm trước thì đúng vậy; còn đến tuổi này thì không.
Bởi vì, khi tôi càng lúc càng gần tới phút cuối, tôi đã đi trọn chu kỳ,
càng lúc càng gần điểm khởi đầu. Dường như đó là cách ta chuẩn bị từ
từ cho kết cuộc. Lòng ta bây giờ lại rung động vì nhiều kỷ niệm đã
quên từ lâu về người mẹ trẻ đẹp ngày trước; vì ta bây giờ quá già!...
Và về nhiều chuyện liên quan thời ấy, thời mà cái thực tế ta gọi là thế