Tôi thấy điều này ngay trong phút đầu tiên tôi nhìn bệnh nhân;
bởi vì trong lúc vật vã không yên cô ta đã quay mặt về phía cạnh
giường, một đầu dải băng ấy nằm trong miệng cô, và có nguy cơ bị
ngạt thở. Hành động đầu tiên của tôi là đưa tay ra rút dải băng cho cô
dễ thở; và ngay lúc đó tôi thấy ngay dấu hiệu ấy thêu ở một góc.
Tôi nhẹ nhàng xoay cô ta lại, đặt tay lên ngực cô để trấn an và
giữ cho cô nằm yên và nhìn vào gương mặt ấy. Trong mắt cô ta, hai
đồng tử đã dãn nở và dại hẳn đi; cô không ngừng la hét chói tai và lặp
đi lặp lại mấy lời “Chồng tôi, cha tôi, em tôi!” rồi sau đó đếm từ một
đến mười hai, rồi thốt lên, “Suỵt!”. Cô ta chỉ ngừng để lắng nghe
trong một thoáng, không hơn, rồi những tiếng thét chói tai lại tiếp tục,
và những lời cũ lặp lại “Chồng tôi, cha tôi, em tôi!” và lại đếm tới
mười hai, lại “Suỵt!”. Cứ như thế tái diễn, không thay đổi. Không hề
ngưng, trừ những khoảng dừng chóng vánh giữa những lời mê sảng.
− Bị thế này bao lâu rồi, - tôi hỏi.
Để phân biệt hai anh em này, tôi sẽ gọi là người anh và người
em; tôi gọi một người là anh vì người này tỏ ra có uy quyền nhất.
Chính người anh trả lời:
− Từ khoảng giờ này tối hôm qua.
− Cô ấy có chồng, cha và em?
− Một em trai.
− Ông không phải là anh cô ta à?
− Không, - hắn ta trả lời giọng hết sức khinh miệt.
− Cô ấy gần đây có liên quan gì đến số mười hai?
Người em nóng nảy chen vào:
− Mười hai giờ?
− Đấy, thưa quý ông, - tôi nói, tay vẫn đặt trên ngực cô ta, - quý
ông đưa tôi đi như thế này thì tôi đành bất lực! Nếu như biết trước
những gì sẽ thấy thì tôi đã mang sẵn những thứ cần thiết. Còn như thế
này thì mất thời gian. Ở nơi vắng vẻ này làm sao tìm được thuốc men.