Người anh nhìn người em.
− Có một rương đủ thuốc men đây, - người em ngạo nghễ nói rồi
lôi trong tủ ra một rương nhỏ đặt lên bàn...
۩۩۩
Tôi mở ra mấy chai lọ, ngửi qua, đưa nắp đậy lên môi. Tôi ắt sẽ
không dùng những thứ này trừ phi tôi cần tới các dược phẩm gây mê
có độc chất. Người em hỏi:
− Không dùng được à?
− Thưa ngài, tôi đành phải dùng thôi, - tôi đáp và không nói gì
nữa.
Tôi cho bệnh nhân uống thuốc rất khó khăn và sau nhiều lần cố
gắng mới đủ liều lượng tôi muốn. Vì dự tính sau một lúc nữa sẽ cho
uống thuốc trở lại vì tôi cần theo dõi tác dụng của thuốc, tôi bèn ngồi
bên cạnh giường. Ngồi trong góc phòng là một bà nhút nhát và sợ hãi
phụ giúp (bà ta là vợ của người đã ra mở cửa). Ngôi nhà ẩm thấp và
mục nát, đồ đạc trang bị sơ sài - rõ ràng chỉ mới có người ở tạm gần
đây. Mấy tấm màn dày cũ kĩ đã được đóng đinh vào cửa sổ để giảm
bớt âm thanh của tiếng la hét. Bệnh nhân vẫn tiếp tục la hét theo nhịp
điệu cũ, sau “Chồng tôi, cha tôi, em tôi!” là đếm tới mười hai, rồi
“Suỵt!”. Cơn điên loạn của cô ta dữ dội quá nên tôi phải tháo các dải
khăn đang buộc tay cô ta ra nhưng cẩn thận không để cho hai cánh
tay vùng vẫy gây hại cho cô. Điều đáng mừng nhỏ nhoi duy nhất trong
trường hợp này là bàn tay tôi đặt trên ngực bệnh nhân lại có tác dụng
trấn an giúp bệnh nhân yên ổn được vài phút. Nhưng nó không ngăn
được những tiếng thét; đều đặn còn hơn cả con lắc đong đưa.
Vì bàn tay tôi có tác dụng làm nguôi cơn điên loạn (tôi nghĩ thế),
tôi ngồi bên cạnh giường suốt nửa giờ, còn hai anh em kia đứng nhìn,
và cuối cùng người anh lên tiếng:
− Còn một bệnh nhân nữa.
Tôi giật mình hỏi: