xay của hắn, buộc phải lấy mùa màng thất bát của chúng tôi mà nuôi
đàn chim của hắn, còn chúng tôi muốn nuôi một con chim cũng không
được, bị cướp đoạt tới mức nếu chúng tôi có được chút thịt để ăn thì
phải ăn trong sợ hãi, cửa đóng then cài, không cho người của hắn
thấy vì sợ bị cướp miếng ăn... Thế đấy, chúng tôi bị cướp bóc, bị săn
đuổi, và bị tước đoạt cho bần cùng tới độ cha tôi bảo rằng sinh một
đứa trẻ ra đời là có tội, và điều đáng cầu nguyện nhất là đám phụ nữ
của lũ chúng tôi tiệt đường sinh đẻ để cái giống loài khốn khổ này diệt
vong cho rồi!
Tôi chưa bao giờ thấy ai nói về cảnh bị áp bức của họ bừng bừng
phẫn nộ như thế. Tôi nghĩ điều đó chắc hẳn phải tiềm tàng chất chứa
trong lòng họ, nhưng tôi chưa từng thấy cảm xúc ấy bùng nổ ra ngoài
cho đến khi gặp chàng nông dân hấp hối này.
− Nhưng bác sĩ ơi, chị tôi đã có chồng. Anh rể tôi, tội nghiệp, lúc
đó đang đau yếu, và chị tôi cưới người mình yêu để chăm sóc anh ấy
trong túp lều của chúng tôi... cái mà kẻ đứng kia gọi là ổ chó. Chị tôi
mới lấy chồng được mấy tuần thì em của tên kia gặp chị tôi và đem
lòng ham muốn, đòi anh hắn phải cho mượn chị tôi... Thân phận làm
chồng của bọn đàn ông chúng tôi như thế đó! Anh hắn cũng bằng lòng
nhưng chị tôi là người đức hạnh, nết na nên đâm ra thù ghét cả em
của hắn chẳng kém gì tôi. Chẳng biết hai tên kia đã làm gì để bắt anh
rể tôi phải thuyết phục cho vợ thuận theo.
Đang nhìn tôi đăm đăm, ánh mắt chàng trai từ từ hướng về kẻ
đứng kia, và qua cả hai gương mặt tôi biết những gì cậu ta nói đều
đúng sự thật. Hai niềm kiêu hãnh khác biệt đang đối đầu nhau, và
ngay trong ngục thất Bastille này, tôi vẫn thấy rõ vẻ dửng dưng bất
chấp của nhà quý tộc đối chọi với cảm xúc bị chà đạp và thù hận ngùn
ngụt của chàng nông dân.
− Ông biết đó, bác sĩ, bọn quý tộc này có quyền buộc lũ mạt
hạng chúng tôi vào cỗ xe và quất roi bắt kéo đi. Chúng đã xử sự với
anh rể tôi như thế. Ông biết chúng có quyền bắt chúng tôi ở ngoài