6. Người thợ giày
− Xin chào! - Anh Defarge vừa nói vừa nhìn xuống mái đầu bạc
đang cúi gầm làm giày.
Mái đầu ấy ngẩng lên một chút và đáp lại lời chào là một giọng nói
rất khẽ cứ như từ xa vọng tới:
− Xin chào!
− Ông vẫn làm miệt mài đấy à?
Sau một lúc lâu im lặng, mái đầu lại ngẩng lên lần nữa và giọng nói
ấy trả lời:
− Vâng... tôi đang làm việc. - Lần này, một đôi mắt thất thần nhìn
vào người hỏi trước khi gương mặt lại gục xuống.
Giọng nói yếu ớt ấy vừa đáng thương vừa đáng sợ. Đó không phải
là sự yếu ớt của thể chất suy kiệt dù chắc chắn cảnh giam cầm và sự
đối xử khắc nghiệt cũng đã góp phần. Điểm đáng thương chính là do
tiếng nói đã lâu không được dùng tới trong cảnh cô đơn. Lời đáp kia
nghe như vọng âm hấp hối cuối cùng của một âm thanh đã tắt từ xa
xưa lắm. Giọng nói đã mất hết sinh mệnh và âm vang của tiếng người
tới mức nó chẳng khác gì một màu sắc từng tươi đẹp giờ nhạt nhòa
thành một vết ố lờ mờ thảm hại. Giọng nói trầm và nghèn nghẹt tựa hồ
vẳng lên từ lòng đất. Giọng nói của một người thất lạc và tuyệt vọng,
sầu thảm đến độ ta nghĩ rằng một kẻ lữ thứ đói khát, kiệt quệ vì lang
thang cô độc trong chốn hoang vu, cũng sẽ thốt lên nỗi nhớ nhà, nhớ
bạn bằng âm thanh ai oán như thế trước khi gục chết.
Mấy phút im lặng làm việc trôi qua và đôi mắt thất thần lại ngước
lên, không phải vì chú ý hay hiếu kỳ, mà chỉ là một cảm nhận máy
móc mơ hồ ở trước mặt, ở vị trí đôi mắt ấy biết có người khách duy
nhất đã đứng, giờ vẫn chưa trống chỗ.