trả lời tiếp như một kẻ vừa mới thức dậy và muốn trở lại đề tài trò
chuyện dở dang đêm trước:
− Tôi đã xin phép tự học, và phải rất khó khăn, rất lâu, mới được
cho phép, và tôi làm giày kể từ đó.
Trong lúc người thợ giày đưa tay ra lấy lại chiếc giày, ông Lorry
nói, mắt vẫn không rời gương mặt người đối diện:
− Ngài Manette, ngài không hề nhớ gì về tôi ư?
Chiếc giày rơi xuống đất, và người thợ giày ngồi nhìn đăm đăm vào
người hỏi.
− Ngài Manette, - ông Lorry nắm lấy cánh tay Defarge, - ngài
không hề nhớ gì về người này ư? Nhìn anh ta đi. Nhìn tôi đi. Chẳng lẽ
tâm trí ông không gợi lên chút gì về người nhân viên ngân hàng xưa,
về công việc xưa, về người gia nhân xưa, về thời xưa ư, ngài
Manette?
Trong lúc người bao năm bị cầm tù kia nhìn trân trối, hết hướng mắt
về phía Lorry lại chuyển sang Defarge, những dấu vết nhận thức minh
mẫn đã bị xóa sạch từ lâu khỏi vầng trán giờ từ từ gắng gượng xé tan
màn mây mù tăm tối bao trùm ký ức. Những dấu hiệu nhận biết bị phủ
lấp, nhạt nhòa, ẩn hiện và vương vấn nấn ná. Và cũng chính cái biểu
hiện ấy lặp lại trên vầng trán cô gái xinh đẹp nãy giờ đã len lén men
theo bức tường lần tới chỗ cô có thể nhìn thấy người thợ giày. Cô
đứng đó, đôi tay lúc đầu đã giơ cao trong nỗi sợ, cơ hồ muốn xua đuổi
người kia đi cho khuất mắt, giờ lại đưa ra, run rẩy vì thiết tha muốn
ôm vào lòng gương mặt như bóng ma ấy, để đem lại sự sống và hy
vọng cho người ấy bằng tình thương yêu của mình. In hằn rõ hơn, biểu
hiện trên vầng trán cô gái chính là biểu hiện của người thợ giày, tưởng
chừng nó đã lan truyền như một tia sáng từ ông ta sang cô gái.
Bóng tối lại che phủ vầng trán người thợ. Ông nhìn hai người đàn
ông trước mặt, càng lúc càng lơ đãng, rồi ánh mắt u ám lại lang thang
dưới sàn nhà chung quanh như trước. Cuối cùng, thở hắt một cái thật
dài, ông nhặt chiếc giày lên, tiếp tục công việc.