cộng và khiến vài Công dân tốt phải xấu hổ, nếu gặp phải. Bạo lực ban
đầu rất hữu dụng vì cần thiết, giờ đã thành thói quen. Old Bailey còn
lừng danh với cái tập quán lâu đời là giàn gông, tù nhân bị cùm tay
chân vào đó cho công chúng sỉ nhục, một hình phạt không có giới hạn;
thêm một tập quán lâu đời đáng quý khác nữa là trụ quất roi, nhìn tội
nhân bị trói vào trụ chịu phạt hẳn phải khiến ta thêm mềm lòng và
nhân đạo hơn nhiều; còn biết bao đồng tiền nhuốm máu được trao tay
những kẻ đâm thuê chém mướn, một biểu hiện khác của trí tuệ tiền
nhân, khiến bao nhiêu tội ác kinh hoàng đã xảy ra dưới vòm trời này.
Nói tóm lại, Old Bailey thời đó là một minh họa tuyệt hảo cho cái
nguyên tắc “Mọi thứ tồn tại đều có lý của nó” - một câu châm ngôn
đầy dứt khoát và khiến ta lười suy nghĩ nếu như nó không bao hàm cái
hệ luận khó chịu là: không hề có thứ gì trên đời là vô lý cả.
Len qua đám đông hôi hám đang tứ tán ngược xuôi ở kịch trường
ghê gớm này, người liên lạc với tài khéo của kẻ quen đi lại âm thầm đã
tìm ra lối vào cần đến và trao bức thư qua một ô cửa trập khoét trên
cửa lớn. Bởi thời đó người ta trả tiền để được xem những màn kịch
pháp đình ở Old Bailey, giống như họ trả tiền để xem những màn kịch
ở nhà thương điên Bedlam
- chỉ khác là xem xử án thì đắt tiền hơn.
Cho nên, mọi cửa vào Old Bailey đều được canh gác kĩ - tất nhiên là
không kể các cánh cửa dành riêng cho tội phạm đi vào, lúc nào cũng
mở rộng.
Sau một lúc trì hoãn và do dự, cánh cửa ấy miễn cưỡng xoay trên
các bản lề và hé ra một chút để Jerry Cruncher lách mình vào trong tòa
án.
− Vụ gì thế? - Y thì thào hỏi đại một người đứng cạnh bên.
− Chưa xử gì cả.
− Sắp xử vụ gì?
− Vụ phản nghịch.
− Tội này nà phanh thây hả?