Trải qua mấy độ nhớ người xưa,
Đền thờ đại phu lưu gió mưa.
Ai bảo người xưa chẳng khá thấy,
Ông với Ngô hầu phưởng phất như.
Biệt ly thấm thoắt bao tháng ngày,
Sĩ tập dân phong cả đổi thay.
Nhớ ông thành thực vì sinh dân,
Mắt xanh đãi kẻ quê mùa này.
Cung dưỡng Duy Ma viếng chùa Hương,
Còn mong châu ngọc tặng văn chương.
Thấm thoắt chia tay đã năm tháng,
Nhật Nam lưu lạc chốn biên cương.
Giáo hóa nếu có người như ông,
Biến đổi man rợ thành hoa phong.
Thế giới nguyên chẳng có gì gọi là kẻ chợ và man di, từ thánh
nhơn ra đời, mới có phân biệt. Lúc đầu hồng hoang khai sáng, loài
người ăn lông uống huyết, ù ù cạc cạc, chẳng khác gì chim muông.
Đến lúc sinh tụ càng ngày càng đông, những kẻ gian ngoan bèn dùng
quyền thuật mà xưng hùng xưng bá, nhưng chẳng phải lấy đạo đức
phục người. Chừng ấy trời sinh thánh nhơn, chẳng nỡ nhìn đồng loại
tương tàn tương sát, bèn đặt ra binh hình để trị kẻ bạo loạn, lễ nhạc để
dạy kẻ gian tà; có chính có giáo hẳn hòi, dựng nên thành quách cung
thất, tôn miếu tế tự; tôn ty quý tiện có trật tự phân minh, tạo nên đời
văn trị. Thế là tiếng “kẻ chợ” (Hoa) do thánh nhơn mà có vậy. Còn
những nơi vì núi biển cách trở, thánh vương đánh dẹp chẳng đến, lễ
giáo khó thông; dân cư tụ tập, tự làm quân trưởng với nhau, quen tập
thói quê mùa hủ lậu; chẳng biết lễ nghĩa là gì. Chỉ biết lấy oai lực phục
nhau, thì hay sinh ra chiến tranh, mà trong việc chiến tranh, cần phải
biến ảo thần kỳ mới hơn người được. Vì thế trong nước hay bàn việc
võ bị, chẳng chuộng văn đức.
Ta đến Đại Việt, có tứ triều Nguyên lão Đông Triều hầu đến ra
mắt đầu tiên, cùng với con là Văn chức Thế nam đều quy y thụ giới.