trống không lấy 3 chữ “người xưa bảo” để bắt nạt. Lão tăng đâu có cả
gan dám thế. Việc lớn bổn phận của lão tăng là làm can thành chống
giữ một tòa nước Phật, há dám chẳng hay bảo trọng, mình tự khen
mình, chẳng sợ người ngoài chỉ trích hay sao. Mừng thấy quân hầu
hay dung người ẩn nhẫn, chẳng hề động lòng, nên mới dám mạo muội
khích nhau như thế. Xưa Hàn Tín gặp thằng nhỏ đất Hoài Âm, lòn
trôn108 chịu nhục. Tử Phòng gặp ông già ở cầu Dĩ Hạ, cũng chịu nhục
lượm giày. Cái nhục tuy người hèn, con gái cũng không nhịn được, thế
mà họ Trương, họ Hàn chịu nhịn. Sau này thỏa chí phong vân, phụ
thành vương nghiệp, mới thấy rõ chí khí trượng phu. Do đó mà xem,
đủ biết đời chẳng phải không kẻ anh hùng, thiếu bậc vương sư, chỉ tiếc
chẳng gặp Tiêu Hà, Hoàng Thạch109 khiến người lỗ mãng làm càn,
tiêu diệt anh hùng mà chẳng thấy vậy.
Ngọc báu Kinh Sơn, Biện Hòa mới biết. Cung cầm lưu thủy, Tử
Kỳ mới hay. Đời vẫn thường xó tối gieo châu, sông sâu dìm kiếm,
luống than biết nhau chẳng dễ, mà người ngoài cõi biết nhau lại khó
biết chừng nào!
Phương chi, xưa nay cách tiếp người của tông phái ta, chỉ đông
nói tây chẳng bao giờ nói rõ vỡ lẽ, muốn cho người nghe tự mình phát
minh lấy; phát minh được cái bản minh của mình, thì mọi lẽ đều sáng
tỏ, chẳng bị một lời lẽ nào che mờ mắt mình; bởi thế có lời rằng: “Ta
không có một phép nào cho người, ta chỉ vì người chỉ đường mà thôi
vậy”.
Quân hầu lưu tâm nghiên cứu đã lâu, học có căn bản, thâm hiểu
thi thư lục nghệ, đọc hết nội điển Tam Tạng, há chẳng biết đích xác
Chơn như mà lại nói như thế. Than ôi có lẽ quân hầu nghĩ lão tăng
không thể đồng bậc với cổ nhơn, nên cố ý tự mình làm cổ nhơn, xem
lão tăng trả lời cách nào, để vỗ tay cười chơi cho vui vậy. Nhưng từ
xưa đến nay, hễ bàn về thiền đạo, ai cũng tùy cơ lập luận, tuy lời nói
có tinh thô khéo vụng, hoặc dẫn một đôi câu thành ngữ để lý giải,
nhưng chưa ai đem câu văn trong kinh điển, lập danh từ ép, dùng làm
khí cụ để lừa dối người thiên hạ bao giờ. Chẳng những trong phép