chẳng hiểu dịp gì lạ vậy. Thuyền dài mà hẹp, như hình long chu, mũi
cất cao, đuôi thuyền sơn đỏ, giữa không thấy để bếp nấu, thầm nghĩ,
bao nhiêu người sẽ ăn uống vào đâu? Riêng ta đem theo đồ ăn và nước
trà để dùng, quân lính đều ở trần trùng trục, dưới nắng cháy như thiêu,
chỉ có trừ một vò nước lạnh, khát thì lấy gáo múc uống, bụng đói
trống trơn, mà sức chèo chẳng giảm, sự khó nhọc vẫn đáng thương
thay; nhưng cũng khá nghiệm thấy thân xác không nên an dưỡng quá
chừng, sinh ra biếng lười; đến lúc có sự khó nhọc, lại chẳng chịu nổi
vậy…
Thuyền ra đến sông lớn, sắp thành từng hàng, quân lính ráng sức
chèo đi mau như tên bắn; trông lên hai bờ, chẳng phân biệt rõ hình
ngựa với trâu.
Gần đứng bóng, đến chùa Hà Trung. Man mác xa trông, đây là
một vũng eo của biển cả, ba đào chẳng gợn, phẳng lặng như tờ, một
vũng cạn bùn lầy, cỏ rêu san sát, nơi ẩn núp của tôm tép cá cua. Thẳng
bờ có đóng cừ, mọc đầy những cây dương nước; một gian chòi cỏ, nơi
nương náu của những kẻ làm nghề lưới chài. Chùa cất trên một đám
đất bằng, nước bao quanh ba mặt; ngoài cửa chừng trăm bước là nơi
bùn lầy; đắp đất làm đê, thẳng đê trồng dương liễu; gió hiu hiu thổi,
lau lách phất phơ, cá lội cua bò, ốc hàu lển nghển; người đi đường
quanh co đùa giỡn ngắm nhìn phong cảnh, hứng thú xiết bao! Chợt
thấy một cây tùng xanh rợp bóng, một cổ thụ đã mấy trăm năm! Các
chùa nước Đại Việt, chùa nào cũng trồng đầy những thứ tạp mộc, cau
dừa xoài mít v.v, còn cây tùng chỉ thấy đây là một. Xuyên bóng tùng
đi vào, chùa không có vòng tường ngoài. Một ao vuông trước điện,
nước ao lên xuống ăn rập với nước lên nước ròng ngoài sông, vì gần
biển đất thấp, lẽ cố nhiên như vậy. Trong ao cá gáy đỏ vô số, mấy
người tùy tòng bẻ bánh tai voi quăng xuống, từng bầy nhảy lên đớp;
lội qua lội lại, tự nhiên chẳng sợ người. Luống rau giàn bầu, bồn hoa
bụi cúc, rải rác ở các nơi đất trồng dưới gốc tùng. Sau điện có những
cây tùng lớn mấy ôm, ngọn queo cành cỗi, rậm rạp ly kỳ, thực là
những thiên niên cổ thụ; trên đọt tùng sầm uất, lá xoắn thành từng nắm