có người đương bới khoai và dắt bò cho ăn dây khoai; khoai có củ rất
lớn, đường kính độ 3, 4 tấc, vì đất cát mềm trồng khoai rất hạp vậy.
Đến chân núi, phu lính nghỉ xả hơi để trèo đèo. Theo đường
quanh co đi lên, đường đèo làm tùy theo chỗ đất chỗ đá, ở triền núi
dốc có trồng lan can để đề phòng nguy hiểm, đều quét dọn sạch sẽ.
Bộc phu lau mồ hôi thở hào hển. Trong rừng cây đã nghe tiếng chuông
trống rất gần, nhưng đi quanh mất hàng giờ mới đến. Chùa Vĩnh Hòa
cất trên chóp núi, tuy không mấy tráng lệ nhưng cũng kiên cố chỉnh tề,
khuôn khổ chùa ở núi chỉ phải làm như vậy. Các quan mời vào, bày trà
xong, các ông đạo ra sơn môn mời mọc. Thửa đất bằng phẳng chừng
vài mươi mẫu, cây cối xanh tốt, có thể ngồi nghỉ mát dưới bóng cây.
Lúc ấy vừa đúng ngọ, khí trời trong sáng; buông mắt trông ra,
trời nước mênh mông, muôn khoảnh ba đào như núi bạc non vàng, rất
đáng kinh hãi, nhưng biết đâu ở đây còn cách biển mấy dặm vậy.
Người xưa bảo: “Lên núi Thái Họa thấy sông Hoàng Hà đánh thẳng
vào chân núi”, chắc cũng như thế này. Vì núi Thái Họa cao nên thấy
xa như gần, bây giờ đây vì biển lớn thấy xa, nếu đến gần lại thấy khác
vậy. Ta tức cảnh làm 4 bài thơ:
Bài thứ 1
Võng xe mười dặm đến cao phong,
Hang núi nghe chuyển mấy tiếng chuông.
Xa thấy người đi ngoài dặm khói,
Chợt nghe trái rụng giữa sân tòng.
Chim hồng tíu tít mưa chùa cổ,
Rồng bạc chờn vờn sóng biển đông.
Buông mắt kiền khôn kêu một tiếng,
Đầu non chống gậy ngó mênh mông.
Bài thứ 2
Từng mây yến hội mở chiêu đề,
Lìa nước xa nhà dạ tái tê.
Hoa nở đầu non thầy dạo mát,
Khánh vang rừng thẳm hạc bay về.