“Thân thầy học đạo, cũng ví như đầu thai vậy. Sinh vào gia đình
nghèo hèn, đội thuê gánh mướn kiếm ăn, làm việc thấp hèn kiếm lợi,
tập quán như thế, tâm thân trở nên hèn kém, chẳng nói làm gì. Sinh
vào nhà giàu sang, từ thuở đương bú mớm, đã được nâng niu chiều
chuộng, mặc thì gấm vóc, ăn thì chả nem, điều dưỡng từng ly từng tý,
chỉ e không sống; dần dần trưởng thành, dạy tập thi thư lục nghệ, văn
vẻ thanh tao, hầu mong sớm được thành tài, để nối dõi tông đường tổ
phụ. Còn e thanh niên tử đệ, tính khí kiêu căng, hào phóng tự thị, hay
đi lạc lối lầm đường; rồi thì tư tưởng sơ sót, nghe thấy sai lầm, học
nghiệp chẳng thành, công danh làm sao đạt được. Bởi thế đã có phụ sư
dạy dỗ, lại cầu bầu bạn dùi mài, nếu giải đãi để ngày tháng trôi qua, ắt
sẽ ăn năn chẳng kịp. Kế học đạo làm công phu cũng thế. Cứ như lão
tăng đây, lúc trẻ tuổi hay đau, không được học để nối dõi thư hương,
theo đòi khoa cử; nhơn nhờ gặp tiên trượng nhơn thế độ cho xuất gia,
tham thiền chưa được bao lâu, đã biết rõ bản phận; trượng nhơn bèn
cho theo hầu quỳnh lâu ngọc điện để làm công phu, từ đó được làm
người thanh nhàn vô sự. Tuy kiến thức đã định, nhưng học hành thiếu
sót; tiếng làm trí thức, mà sách chưa từng đọc được một câu, chữ
chẳng từng viết được một nét, lăng nhăng lố nhố bị thua sút mọi
đường; ngày qua tháng lại, râu tóc bạc phơ, than ôi, đã già mất rồi, chỉ
e uổng phí tấm thân hiện tại, làm hư hạt giống sau này mà thôi; bèn
quyết chí một mặt hành đạo, một mặt học tập, nhưng hiện tại sức khỏe
trí nhớ chẳng bằng lúc thiếu niên, ăn năn đã chẳng kịp vậy. Gần đây
thấy có những đạo tử học sinh, tướng mạo khôi ngô, khí thể cường
tráng, nếu chịu lập chí, thì tham thiền minh đạo, nào khó gì đâu; thế
mà các người cứ lửng lửng lơ lơ, tháng ngày uổng phí, đáng tiếc biết
chừng nào. Thường có một vài người chịu khó tham học, nhưng lại
xấu tốt chẳng biện, đen trắng chẳng tường; cày cục bên này, tìm tòi
bên khác, giày mòn chưng mỏi mà đi chẳng đến đâu. Chẳng biết hai
chữ “tham học”, trước cần phải phân biện cho rõ ràng, “tham” nghĩa là
dứt bỏ tất cả thê giai (thang bậc), chẳng tìm nơi nào khác; tập trung
khí lực, tự trong mình tìm ra một con đường mà đi, nghĩa là “tham”