Suối Hổ73 nhìn nhau hả hả cười.
Thơ để tả tính tình, câu thơ khéo hay vụng, chẳng bàn làm gì,
nhưng ba chữ Trăng Ma ha đối Gió Bát nhã, còn có chỗ cần châm
chước phê bình. Nay hãy cứ theo nguyên vận họa lại bài thơ và viết
kèm một bức thư để thảo luận mấy lời trong bài nguyên tác.
Tôi đến quý quốc mà chẳng đến yết kiến các ông, chẳng phải cố
ý kiêu ngạo. Kẻ tu đạo chẳng muốn lấy thường sáo ngoài đời để đãi
các ông. Nếu dập đầu trước thềm, để dua mị bậc cao minh, sẽ bị người
đời cười chết. Xưa Thao Quang làm thơ đáp Bạch Cư Dị có câu rằng:
“Mây trăng khá bay về núi biếc, trăng thanh khôn khiến tách trời
xanh”, rõ ràng khách ngoài đời chẳng muốn xu hướng kẻ quyền quý
vậy. Bần tăng tuy đạo đức mỏng manh, há chẳng lấy Bạch Cư Dị đãi
người quân tử hay sao?
Minh công đã khiến công tử hạ cố, lại còn ban cho quà quý với
thơ hay. Đọc qua một lần, thấy lời thơ lưu loát, tuy trong câu không
dùng đến những chữ “yên hà khâu hác” của nhà thơ, mà ý tứ “yên hà
khâu hác” đều ngụ ở trong ấy. Đỗ Công Bộ bảo rằng: “Chính tự mình
ông có cốt tiên, người đời làm sao biết rõ được”, chính là vì thế.
Vần thơ đại nhã ban cho, quý hơn minh châu mười hộc, nỗi
mừng xiết kể; còn lễ biếu trọng hậu, bần tăng chẳng dám lãnh thọ.
Một mặt đọc thơ, một mặt viết giấy trả lời, còn lo không có thơ
để đáp tạ. Đến khi ngâm nga kỹ câu thơ bổng bay của minh công,
trong câu dùng chữ “Trăng Ma ha” để đối với “Gió Bát nhã” ví như
ngọc bích có chút tì, tiếc chưa được toàn mỹ. Theo thiển ý xin đổi hai
chữ “Ma ha” làm “Bồ đề”, vì “Gió Bát nhã” (Bát nhã phong) là chữ
trong bài thơ của Tô Tử Chiêm tặng Phật Ấn, còn “Bồ đề nguyệt” là
chữ trong bài thơ của Bạch Cư Dị tặng Điểu Oa lão tăng. Tôi chẳng
dám ví với Điểu Oa, Phật Ấn nhưng minh công khá so sánh với họ
Bạch, họ Tô; ngu ý như vậy, chẳng biết có thỏa đáng chăng? Sau đây
xin họa nguyên vận bài thơ, nhờ minh công chỉ giáo.
Mênh mông bể học sánh tài ba,
Nho Thích cùng thông một lẽ mà.