dân đen, về thuế má, về bệnh dịch. Một điều quý nữa, đó là Đại Sán
vén màn cho chúng ta thấy được đôi chút về trình độ trí thức của các
bậc túc nho thời bấy giờ ở miền Nam. Nói chung, Hải ngoại kỷ sự là
một sử liệu quý và đáng tin cậy. Mặc dầu Đại Sán có vẻ tự phụ và, vì
đó, tỏ ra quá nghiêm nhặt trong khi phê phán phong tục Nam Hà,
nhưng các điều Đại Sán ghi lại về văn hóa, xã hội, tôn giáo, đều là
những sự kiện nghe thấy bởi tai mắt một người có tài quan sát.
Bộ Hải ngoại kỷ sự đã được Giáo sư Trần Kinh Hòa giới thiệu
trong một bài khảo cứu bằng Hán văn, chép rất công phu. Giáo sư cho
chúng tôi biết nhiều điều về bộ sách, cũng như về thân thế và sự
nghiệp của Đại Sán, nhờ đó chúng ta càng hiểu rõ lời của Đại Sán hơn.
Chỉ một điều nên lưu ý là Giáo sư thường dùng tiếng Quảng Nam để
chỉ địa điểm của cuộc hành trình được thuật lại. Thực ra, mục đích của
cuộc hành trình đó không phải Quảng Nam, mà Thuận Hóa. Đáng lẽ
phải nói Nam Hà thay vì Quảng Nam. Các học giả Trung Quốc thời
trước cũng có kẻ lầm Nam Hà với Quảng Nam như thế, vì họ dựa vào
lời của các thương gia hay đi lại buôn bán ở Hội An. Ngoài ghi nhận
đó, bài khảo cứu của Giáo sư thật là giá trị và bổ ích.
Mong rằng bộ Hải ngoại kỷ sự này cũng giúp đỡ nhiều cho sử gia
và học giả như bộ An Nam chí lược.
Linh mục Cao Văn Luận
Viện trưởng Viện Đại học Huế, Việt Nam
Mùa đông năm 1962