Vương tự đặt riêng một đàn. Ngày ấy nắng gắt. Vương mình mập
quỳ lâu; mồ hôi ướt thấm mấy lớp áo, người dẫn lễ mời vương nghỉ
một chút, lúc dâng lễ sẽ quỳ. Vương bảo rằng: “Ta ít tuổi, vui lòng
chịu giới phạm, chẳng lấy thế làm mệt”. Quỳ thụ giới xong, đứng dậy,
lại làm lễ, cầu xin chỉ bảo. Ta thường nghiệm thấy tín căn của vương
rầt bền vững, có lòng cầu đạo chơn thành, bèn mừng rỡ viết quyển Hộ
pháp Kim Thang thư, tặng cho như sau:
“Dầu ra đời, dầu ở thế gian, đạo không có hai nẻo. Theo Nho
giáo, Nghiêu Thuấn nói chữ trung. Khổng Tử nói chữ nhất. Sách
Trung dung nói chữ thành, danh từ tuy chẳng đồng, nhưng nguồn gốc
chỉ có một.
Nhất là gì? Nhất tức tâm vậy. Giữ được nhất tức tâm chánh, rồi
lấy đó mà tu thân, thì thân được tu, tề gia thì gia được tề, trị nước thì
nước được trị. Nhất thiết dụng nhơn, hành chính, binh, hình, lễ, nhạc,
việc lớn việc nhỏ, việc nào cũng hiểu biết một cách sáng suốt và xử lý
đều được thỏa đáng. Cho nên trời được nhất mà trong xanh (thanh),
đất được nhất mà yên ổn (ninh), nhơn quân được nhất mà thiên hạ thái
bình, chính do đạo ấy vậy.
Đức Đại Hùng Thế Tông của ta vì người đời tự mình có chỗ chưa
hiểu rõ, nên lập ra giáo hóa, thoát hết trần căn, chẳng lập văn tự, trực
chỉ lòng người, khiến người ta phải tu tâm kiến tính thì thành Phật.
Tây Thiên Đông Thổ chia làm năm dòng, tâm ấn chuyển nhau, cũng
chỉ cốt khiến hiểu rõ lẽ ấy mà thôi. Lời xưa bảo rằng: “Phương tiện có
nhiều cửa, quy nguyên tính không hai”, là vì lẽ ấy.
Đạo nho chủ trương lập nguyên tắc hữu vi (phải làm), nên ở lẽ ấy
biết vậy mà chẳng bàn. Đạo Phật đi đến chỗ Vô thượng (không còn gì
cao hơn), nên ở lẽ ấy bàn mà chẳng dựng. Cho nên đức Thế Tông
thuyết pháp 49 năm, chưa từng nói đến chữ nhất, là vì lẽ ấy.
Nay xem nhà vua thông minh nhơn thứ, độ lượng khoan hồng,
thống trị mọi việc, biết thể tuất thần dân, giúp người lợi vật; gần xa
sang hèn thảy đều thấm nhuần ân trạch, lại hay chăm chăm gánh vác
việc nhơn duyên tu hành; thế là, nếu nên lấy thân quốc vương mà