năm 1945. Naomi chăm chú lắng nghe, quên hẳn phần thức ăn của
mình, cho đến khi Joseph kể hết chuyện.
— Tôi nghĩ rằng vì cha tôi đã vĩnh viễn ra đi tại đây, nên tôi đã bằng
cách này hay cách khác bị nơi này lôi cuốn để cố đến đây cho kỳ được
nhằm xem sự thể ra thế nào, ngay nếu như tôi không phải là một phóng
viên đi nữa, tôi cũng sẽ ao ước muốn đến đây cho bằng được.
Naomi vừa nói, vừa đưa mắt nhìn xa xăm:
— Nhưng khi tôi đặt chân lần đầu tiên đến Sài Gòn này, tôi nghĩ là
tôi đã biết, rồi đây tôi sẽ bị rơi vào cái tình cảnh là mình sẽ vừa yêu đó
lại cũng vừa ghét đó cái nơi này. Khi mới đến đây, tôi đã chứng kiến
được cái cảnh đau lòng nhất trong đời mình với những hình ảnh của
trận phục kích tại Mộc Linh và cuộc tự thiêu của Thượng Tọa Thích
Quảng Đức, nhưng khi về đến bên nhà tôi vẫn có thể thảnh thơi với
Luân Đôn của tôi, nhưng tới nay các chuyện đó vẫn còn ám ảnh tôi dù
rằng các việc đó đã xảy ra gần năm năm nay rồi.
— Tôi lấy làm lạ khi thấy cô có cảm tưởng này.
Giọng nói của Joseph bỗng dưng chan chứa tình cảm.
— Đối với tôi, tôi cũng bị du vào cái cảnh huống vừa yêu, và ghét
cái quốc gia này suốt cả cuộc đời của tôi. Ngay cho tới lúc này, tôi cũng
vẫn chưa biết rõ mình yêu, hay ghét nó nữa.
— Tại sao anh lại nói như vậy?
— Lần đầu tiên tôi đến đây để đi săn. Lúc đó tôi mới có mười lăm
tuổi. Chúng tôi đi săn các con thú rừng để đem về triển lãm trong viện
bảo tàng do ông nội tôi thành lập ở bên nhà. Khi tới đây, tôi không khác
gì một quả banh, bị lăn đi vô định giữa đám người bản xứ, giữa những
cảnh rừng già cho đến những đền đài, cung điện ngoài Huế. Nhưng vào
ngày chót của cuộc đi săn thì ông anh của tôi bị tai nạn chết, cho nên
tôi vừa bị cái đất nước này lôi cuốn, vừa bị cái đất nước này làm cho tôi
kinh hoàng cùng một lúc. Cũng chính vì chuyến đi đó khiến tôi quyết
định chọn ngành lịch sử Á Châu, cứ như con thiêu thân lao đầu vào ánh
đèn. Mười năm sau đó, tôi trở lại đây để thực hiện một cuộc nghiên cứu