Ngay cả thủy thần cũng đã nổi giận với tội ác của Tô Định. Y không còn
chốn dung thân tại xứ sở này.
-----
Tô Định mất ngủ triền miên. Y giật mình thức giấc nhiều lần trong
đêm vì bị ám ảnh bởi những tiếng hô quyết chiến bị dồn giấu trong đêm
đen Âu Lạc. Tiếng trống đồng sâu hút dội vọng trên mặt nước bến Lâu
thuyền Long Uyên ám ảnh Tô Định. Hơn một ngàn năm sau sứ giả nhà
Nguyên sang Đại Việt cũng vì hoảng hốt như thế mà thốt lên bằng thơ:
"Kim qua ảnh lý đan tân khổ / Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh", nghĩa
là "Nhìn rừng giáo gươm mà đau khổ / Nghe tiếng trống đồng sợ đến bạc
tóc".
Nhiều hôm khuya khoắt, Tô Định xõa tóc, mang hài trắng, vận quần
áo lót trắng, từ giường tuột xuống, đi lang thang dọc bến Lâu thuyền như
một bóng ma. Y không mộng du. Chính sự sợ hãi đã khiến đôi chân của y
đi theo bản năng đến gần soái hạm. Tuy nhiên trên soái hạm Tô Định còn
trằn trọc kinh khủng hơn. Sóng Lãng Bạc ì oạp luôn vần vũ mạn thuyền,
nghe như tiếng xua đuổi, nguyền rủa Hán quân. Con thuyền chao động
không ngừng nghỉ, các mộng gỗ nghiến vào nhau kèn kẹt căm hờn.
Tô Định cảm thấy cả cái kiến, con muỗi của xứ sở này cũng ghét cay
ghét đắng y. Y đến đâu chúng cũng bám theo hành hạ. Đàn vạc trắng ngày
xưa hay rảo bước bên bãi bồi Long Uyên kiếm ăn hình như cũng biết tránh
xa quân thù tàn bạo. Suốt bến thuyền, cả đêm dài không nghe một tiếng cá
quẫy, không thấy một bọt tăm của các loài thủy vật trồi lên đớp bóng...
Những lúc khủng hoảng nhất, Tô Định thường đánh thức tất cả lính
tráng dậy và ra lệnh đốt lửa để xua tà ma ám khí. Y hỏi các tay sai người
Âu Lạc về ý nghĩa từng hồi trống. Mặc dù được giải thích cặn kẽ là trống
xuất binh sẽ dồn dập, liên hồi, gần như không ngừng nghỉ, không giống
như các hồi trống nhắc nhở cảnh giác gần đây, Tô Định vẫn không hết nghi