HẬN LÃNG BẠC
Trương Thái Du
www.dtv-ebook.com
Chương 4
Trong một bài khảo cứu cô đã viết: "Tại Âu Lạc, người giàu có nhất,
mạnh mẽ nhất trong làng được suy tôn là quan Lang. Một cách tương đối,
đứng đầu trăm làng là Lạc tướng, ngàn làng là Lạc hầu, vạn làng là Lạc
vương. Ngoại trừ quan Lang và Lạc tướng có những ràng buộc xa gần về
huyết thống, địa lý và thần quyền; các nấc bậc quyền lực còn lại liên kết
khá lỏng lẻo. Nó không có những nguyên tắc chế định thông thường như
của nhà nước phong kiến quân chủ, bởi chưa từng chia sẻ với nhau một tổ
chức xã hội, chính trị hay tôn giáo. Đa thần cũng là lý do phân tán quan
trọng, dù họ cùng thờ mặt trời (trong khuôn khổ nguyên sơ nhất). Cái vỏ
phong kiến của ngôn ngữ Hán đã đánh lừa người đọc hàng ngàn năm sau,
khi tiếp cận với những ghi chép về Âu Lạc trong Hán sử".
"Điểm sáng đáng để ý nhất của Âu Lạc có lẽ là tinh thần đoàn kết của
các Lạc tướng và nhân dân trước họa ngoại xâm. Luôn xuất hiện một thủ
lĩnh đứng lên đóng vai trò Lạc vương khi chiến tranh vượt khỏi tính chất
cục bộ trong bản thân Âu Lạc. Truyện cổ tích Thánh Gióng chứng tỏ điều
đó. Muôn nhà đã góp cơm cho người anh hùng lớn nhanh như thổi. Hình
ảnh và hành động của ông vua cho bắc loa cầu hiền chống giặc khá mờ
nhạt, e rằng chỉ là tính biểu tượng. Giặc tan thì vai trò của Thánh Gióng
cũng hết, ông phải bay về trời. Mô típ này vẫn còn bảng lảng trong niêu
cơm ăn mãi không hết của chàng Thạch Sanh ở rể. Truyện Thạch Sanh ghi
nhận nhiều chi tiết giao thời giữa chế độ phong kiến phụ quyền (ngôi vua
truyền cho con trai ruột) và quân trưởng mẫu hệ (ngôi vua truyền cho
chồng trưởng nữ). Như vậy, vua Hùng và An Dương Vương rất có thể đã
từng thực hữu. Sự biến mất của vua Hùng có thể được giải thích bằng