Ai cũng bảo tiếng trống đã vang xa, vượt qua mười tám ngọn núi, chín
mươi chín thác nước, đến bên Lạc vương huyền thoại. Người đã truyền cho
kẻ đánh trống sức mạnh vô địch, để đạp sóng dữ ngàn khơi, để cưỡi Giao
long, vung gươm thần giết giặc.
Ngày lễ trọng đại nhất của Âu Lạc là tiết Đoan Ngọ. Thời điểm này
trùng với Hạ chí Dương lịch, mặt trời ở gần bắc bán cầu nhất, giữa trưa còn
gọi là chính Ngọ là lúc nó nằm thẳng trên đỉnh đầu mọi người. Xuất phát từ
tục thờ Mặt trời tối cổ, người Âu Lạc đồng hóa Mặt trời với nữ tổ của
mình, họ gọi là bà Trời. Đoan Ngọ là ngày nóng nhất trong năm, là sinh
nhật của bà Trời, các lễ hội ăn mừng trải rộng suốt nửa tháng ròng.
Mùng năm tháng Năm Âm lịch, năm 40 sau Công nguyên, Âu Lạc tổ
chức một lễ hội đua thuyền Giao long lớn chưa từng có trong lịch sử tại
thượng lưu biển hồ Lãng Bạc. Ba mươi sáu đội đua nam - nữ của chín Lạc
tướng tham dự. Mỗi thuyền đua mười tám tay chèo. Trưởng nhóm cầm
nhịp bằng trống đồng ở giữa thuyền. Tất cả các tay chèo đều cắm lông trĩ
ngũ sắc trên đầu, buộc băng đỏ ngang trán. Nam mặc khố, cởi trần. Nữ bận
áo hai vạt ngắn, váy thổ cẩm.
Chín Lạc tướng ngồi trên chín thuyền lớn, lễ phục gọn gàng, các tùy
tướng và hộ quân của họ gồm hai đội đứng hai bên. Ngoài cung tên không
thể thiếu, vũ khí họ mang theo đa phần dài và nhẹ như lao, chĩa, giáo.
Thuyền của Trưng Trắc to nhất, dài nhất, trên ấy đặt chiếc trống đồng lớn
nhất Âu Lạc vừa đúc xong. Đặc biệt, đầu tất cả thuyền đua và thuyền Lạc
tướng đều trùm một tấm lụa đỏ, để giấu lưỡi giáo có ngạnh.
Người xem đua thuyền đông như một luồng cá biển. Đứng trên bờ đa
phần là trẻ con, người già, sức khỏe không cho phép ngồi thuyền còn thì tất
cả các cư dân xuống hết các loại phương tiện nổi, từ độc mộc đến thuyền
nan. Họ bơi ra giữa hồ, tập hợp xung quanh đoàn thuyền Giao long, hò hét
ủng hộ.