"Dưới gầm trời này, đất ở đâu cũng là đất của Thánh thượng, dân ở
đâu cũng là dân Đại Hán - Tô Định gầm lên - Các người có biết đây là quận
Giao Chỉ đã được Hán Vũ Đế xác lập không?".
"Tích Quang cũng từng nói như ông - Trưng Trắc nhỏ nhẹ nhưng dõng
dạc - Từ Mẹ Tổ, chúng tôi chỉ biết gọi nơi mình sinh sống là Âu Lạc. Âu là
đất. Lạc là nước. Âu Lạc là xứ sở của chúng tôi, không phải của người
phương Bắc!".
"Khá khen cho Trưng Trắc già mồm. Ngươi nên biết sách Vũ Cống đã
có từ Nam Hải. Sách Xuân Thu chép rằng nước Sở đã gồm thu Nam Hải
thuộc Hoa Hạ. Cổ thư Sơn Hải kinh tiên Tần nói Tây Giang đổ vào Nam
Hải. Cả biển nam này là của Đại Hán, rẻo đất trâu đầm Âu Lạc lý nào lại ở
ngoài Đại Hán..." - Tô Định biện luận ra vẻ rất hùng hồn.
Trưng Trắc cười vang nhờ Lữ lạc tướng tiếp lời họ Tô: "Người Trung
Quốc trăm năm trước cứ thấy sông rộng, nước nhiều liền gọi là biển. Nam
Hải ở Vũ Cống và Xuân Thu là Trường Giang vậy. Nam Hải trong Sơn Hải
kinh rõ ràng là Tây Giang chảy qua Phiên Ngung. Vua Kiến Đức và tể
tướng Lữ Gia của triều đình Nam Việt lên thuyền ra sông lớn ngoài Phiên
Ngung lập chiến khu, Lộ Bác Đức tấu về triều bảo họ vào biển Tây. Tô
Thái thú lẽ nào chưa đọc những dòng ấy?"
Mặt Tô Định tái như gà cắt tiết.
Trong khi đó Lạc tướng Chu Diên nhìn Trưng Trắc bằng đôi mắt
ngưỡng mộ và nể phục. Thật không uổng phí khi bà gửi gắm con trai mình
đến M’linh làm chồng người phụ nữ hùng dũng và đảm lược kia.
Ban đầu, không Lạc tướng nào chịu tập họp theo lệnh Tô Định. Tuy
nhiên Trưng Trắc đã cho sứ giả đến nhiều nơi thuyết phục. Bà muốn họ tận
mắt chứng kiến dã tâm của những kẻ tự nhận là bề trên, là văn minh hơn
người bản xứ. Bà muốn tương kế tựu kế, dùng chính diễn đàn của Tô Định